Phòng ngừa dịch bệnh tôm nuôi vụ mới: Cẩn trọng để ứng phó với thời tiết bất thường
Ðến thời điểm này, người nuôi tôm trong tỉnh đã tiến hành thả nuôi tôm vụ 2. Ðể chủ động phòng ngừa dịch bệnh, bên cạnh việc chú trọng về chất lượng con giống, ngành chức năng khuyến cáo người nuôi tôm tuân thủ nghiêm túc lịch thời vụ.
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), đến nay, người nuôi tôm trong tỉnh đã thu hoạch xong tôm nuôi vụ 1 với tổng sản lượng đạt hơn 4.117 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018; đang thả nuôi tôm thẻ chân trắng vụ 2 với tổng diện tích là 270,7 ha.
Các hộ nuôi tôm ở xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) thay nước ao nuôi chăm sóc tôm trong vụ mới.
Gia đình ông Phạm Hồng Ngoan, ở thôn Hội Tân, xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) có 3 ao nuôi tôm, trong đó có 2 ao nuôi tổng diện tích 6.000 m2 và 1 ao lắng 4.000 m2. Ông Ngoan cho hay: “Vào vụ mới, thời tiết biến động thất thường nên tôi chỉ thả nuôi 40.000 con giống tôm thẻ chân trắng trong 1 ao, ao còn lại tôi nuôi cá chim vây vàng. Tôi thả giống đã 1 tuần rồi, ngoài việc chú trọng theo dõi, xử lý môi trường nước trong ao nuôi, tôi sử dụng thức ăn vi sinh để tôm phát triển tốt”.
Còn ông Võ Văn Tứ, ở thôn Kim Giao Trung, xã Hoài Hải (huyện Hoài Nhơn), chia sẻ: “Trong vụ nuôi này, tôi thả nuôi 60.000 con tôm thẻ chân trắng trong 2 ao nuôi diện tích 3.000 m2. Tôi phải thường xuyên theo dõi tôm nuôi, giảm số lần cho ăn từ 4 lần/ngày xuống còn 2 lần/ngày để tập trung thời gian chạy máy sục khí đảo nước ao nuôi thông thoáng, tạo ô xy để ngăn ngừa dịch bệnh cho tôm”.
Tại thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện tuy Phước) hiện có 43 hộ tham gia nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình an toàn sinh học với số lượng 45 ao nuôi, tổng diện tích hơn 23 ha. Mặc dù đã tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chăm sóc tôm nuôi nhưng sau hơn 1 tháng thả con giống đã xuất hiện dịch bệnh khiến người nuôi tôm ở đây lao đao.
Ông Phạm Văn Chạy, Trưởng ban quản lý cộng đồng nuôi tôm vùng Đông Điền, cho biết: “Theo lịch thời vụ, tôm nuôi vụ 2 thả giống vào đầu tháng 7 dương lịch, nhưng do thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài làm tôm bị mắc bệnh gan tụy (do vi rút gây ra) và lây lan trên toàn diện tích vùng nuôi ở đây nên bà con đã phải thu hoạch sớm bán để gỡ gạc. Vụ nuôi mới chỉ vừa bắt đầu mà người nuôi tôm ở đây xem như đã lỗ vốn”.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành chức năng của tỉnh đã hướng dẫn người nuôi tôm thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc nhằm phòng ngừa dịch bệnh tôm, cẩn trọng hơn để đảm bảo điều kiện sinh trưởng an toàn cho tôm.
Theo ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản - Chi cục Thủy sản, thì: “Người nuôi tôm cần tuân thủ lịch thời vụ do Sở NN&PTNT ban hành. Theo đó, các vùng nuôi tôm trên cát tại huyện Phù Cát, Phù Mỹ thả nuôi mật độ 100 - 120 con/m2; vùng nuôi tại đầm phá, cửa sông có cơ sở hạ tầng tương đối tốt tại huyện Hoài Nhơn thả nuôi mật độ 30 - 70 con/m2. Riêng các vùng nuôi có cở sở hạ tầng không đảm bảo nuôi theo hình thức thâm canh - bán thâm canh ở huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn nuôi theo hình thức nuôi tổng hợp…”.
“Vụ nuôi mới diễn ra vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột. Năm nay, do nắng nóng cực đoan, nhiệt độ ao nuôi biến động lớn, tảo sẽ phát triển rất mạnh, dễ xuất hiện nhiều mầm bệnh trên tôm. Vì vậy, người nuôi cần sử dụng lượng thức ăn cho tôm vừa phải nhằm hạn chế sự phát triển của tảo; tăng cường đảo nước để giữ ổn định môi trường nước trong ao nuôi. Hiện, Chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT đề nghị Bộ NN&PTNT phân bổ thêm hóa chất sát trùng chlorine để hỗ trợ người dân khử trùng ao, hồ nuôi tôm”.
Bà NGUYỄN THỊ NGỌC LAN, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y
ÐOÀN NGỌC NHUẬN