Trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp: Phát sinh nhiều hệ lụy - Bài 3: Tìm giải pháp bền vững
Những năm gần đây, người dân trong tỉnh phát triển mạnh nghề trồng rừng, đời sống khá hơn. Nhưng điều đáng nói là nhiều người đã “xé rào”, trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp. Việc làm này vừa sai mục đích sử dụng đất, vừa để lại nhiều hệ lụy.
Bài 3: Tìm giải pháp bền vững
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giải quyết căn cơ vấn nạn trồng rừng trên đất nông nghiệp, nhằm lập lại trật tự trong công tác quản lý đất đai, hạn chế những tác động tiêu cực đến sinh kế của người dân lẫn môi trường.
Quan tâm nguồn nước tưới, cơ sở pháp lý
Việc để người dân ồ ạt trồng cây keo lai, bạch đàn trên đất nông nghiệp có một phần do chính quyền buông lỏng quản lý. Song, cũng phải thừa nhận, chính những hạn chế từ hệ thống thủy lợi khi không đảm bảo khả năng cung ứng nước tưới cho cây trồng cũng là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này.
Do vậy, ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, tha thiết kiến nghị Sở NN&PTNT, UBND tỉnh quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ, đầu tư thêm hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Vân Canh, nhất là ở những vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cây keo trồng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Ân Tín (Hoài Ân) đã bị phá bỏ, thay bằng những loại cây phù hợp.
Trong thời gian chờ đợi được đầu tư, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh yêu cầu các xã, thị trấn quyết liệt xử lý, ngăn chặn tình trạng người dân tự phát trồng cây keo, bạch đàn trên đất nông nghiệp. Đối với những diện tích đất sản xuất nông nghiệp bạc màu, có độ dốc lớn… không có khả năng sản xuất cây nông nghiệp hoặc sản xuất không hiệu quả thì các địa phương rà soát, thống kê cụ thể diện tích và lập kế hoạch trình UBND huyện xem xét, kiến nghị cấp thẩm quyền cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp.
Một điểm bất cập khác là theo quy định tại Điều 57 Luật Đất đai năm 2013, việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm khác sang trồng cây lâm nghiệp không thuộc các trường hợp phải có ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; và cũng không phải hành vi vi phạm hành chính. Chính “lỗ hổng” về mặt pháp lý này đã gây lúng túng cho chính quyền các địa phương trong việc xử lý tình trạng người dân trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp.
Để sớm tháo gỡ nút thắt này, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cam kết: “Thời gian tới, Sở phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng các quy định liên quan đến vấn đề quản lý, kiểm soát, xử lý hành vi trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp để trình UBND tỉnh xem xét, ban hành. Việc này nhằm giải quyết “khiếm khuyết” về mặt pháp lý, tạo quy định chặt chẽ để chính quyền cơ sở lẫn cơ quan thẩm quyền thuận lợi hơn trong khâu quản lý”.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật sẽ tạo cơ sở pháp lý để chính quyền địa phương và ngành chức năng liên quan thuận lợi trong khâu quản lý; tạo tiền đề trong việc người dân sử dụng đất đúng mục đích. Tuy nhiên, việc định hướng trồng cây gì cho hiệu quả ở những vùng đất khô cằn, thiếu nước sản xuất sau khi phá bỏ những loại cây trồng trái mục đích sử dụng đất cũng quan trọng không kém.
Người dân xã Mỹ Trinh (Phù Mỹ) chuyển đổi sang trồng hành tại các khu vực chân ruộng cao, khó khăn về nước tưới.
Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Trọng Hổ nói: “Đối với diện tích trồng lúa đã được quy hoạch nhưng không đảm bảo nước tưới, Sở yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng cạn phù hợp như mía, mì, đậu... Đặc biệt, chuyển đổi mô hình trồng cỏ để phát triển chăn nuôi, nhằm tăng thu nhập cho hộ gia đình. Dứt khoát không được trồng keo, bạch đàn hay các loại cây lâm nghiệp khác”.
Nhờ chuyên gia hiến kế
“Sở NN&PTNT đã hoàn thành công tác rà soát, thống kê diện tích đất nông nghiệp bị người dân tự ý trồng cây lâm nghiệp. Trong tháng 8.2019, Sở mời các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia góp ý, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bền vững trong việc phát triển cây nông nghiệp, lâm nghiệp trên từng loại đất, đặc biệt là với những diện tích đất nông nghiệp mà người dân tự ý trồng cây keo, bạch đàn do thiếu nước tưới hoặc nghèo chất dinh dưỡng”.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT
TS Lại Đình Hòe, Phó Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ, cũng gợi mở cần xem xét chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên từng loại đất, vùng sản xuất. Ông ví dụ ở các diện tích đất nông nghiệp, nhất là đất sản xuất lúa thiếu nước canh tác theo mùa vụ, ngành nông nghiệp tỉnh cần linh động khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu, trồng các loại cây ngắn ngày như đậu phụng, bắp hoặc mì. Đối với những vùng đất nông nghiệp nằm ở địa hình cao cũng cần đánh giá, rà soát chuyển sang trồng các loại cây ăn quả kết hợp với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác.
Bên cạnh đó, cần có chính sách phù hợp để khuyến khích nông dân phát triển một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả khi thực hiện chuyển đổi như sản xuất kết hợp chăn nuôi, trồng trọt, tưới nước tiết kiệm... Một số diện tích đất có thể chuyển sang mục đích khác để phù hợp điều kiện phát triển KT-XH của từng địa phương.
Xử lý kiên quyết, dứt điểm
Đi đôi với công tác rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan cần kiên quyết xử lý, giải quyết dứt điểm đối với những diện tích vi phạm và hướng nông dân quay lại sản xuất đúng mục đích sử dụng đất. “Bố trí chuyển sang trồng cây nông nghiệp hàng năm hoặc cây ăn quả, cây dài ngày khác. Những trường hợp cố tình không chuyển mục đích hoặc chây ỳ thực hiện chuyển đổi mục đích thì kiên quyết thu hồi quyền sử dụng đất”, ThS Lê Quang Tình, Phó Trưởng phòng Phòng Khuyến nông - Trung tâm khuyến nông tỉnh (Sở NN&PTNT), nêu ý kiến.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu: UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thống kê cụ thể diện tích, danh sách các hộ trồng cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp để yêu cầu cam kết sau khi khai thác chu kỳ đầu không tái trồng. Sở TN&MT tăng cường quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý sử dụng đất nông nghiệp, đảm bảo sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích và phù hợp với các quy hoạch của ngành nông nghiệp.
Điểm sáng Hoài Ân
Ðến nay, huyện Hoài Ân đã xử lý hơn 271/321 ha cây keo lai, bạch đàn trồng trái phép trên đất nông nghiệp, đưa hiện trạng đất về đúng mục đích sử dụng. Ðồng thời, huyện hỗ trợ người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày, cây ăn quả phù hợp trên từng loại đất, đem lại thu nhập cao cho người dân ở địa phương.
Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương mình, ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, cho biết: Nhận thấy cây keo lai, bạch đàn tác động tiêu cực nguồn nước, dinh dưỡng của đất, đặc biệt có nguy cơ phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, nên UBND huyện tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn của huyện và UBND các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát diện tích đất nông nghiệp đã bị người dân sử dụng trồng cây keo, bạch đàn để xử lý, phá bỏ. Ðồng thời, đưa đề án loại bỏ cây lâm nghiệp trồng trên đất nông nghiệp vào chương trình hành động chuyên đề về phát triển KT-XH của huyện.
VĂN LỰC - TRỌNG LỢI - HỒNG PHÚC