Nhiều thành viên đồng loạt rời bỏ HTX vận tải: Vì đâu nên nỗi?
Bất cập trong công tác thu thuế, cùng những hạn chế về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khiến nhiều thành viên đồng loạt rời bỏ HTX vận tải trong tỉnh để gia nhập DN ở tỉnh khác và tiếp tục cạnh tranh với các HTX.
Theo Liên minh HTX tỉnh, năm 2015, toàn tỉnh có 17 HTX vận tải với 1.300 thành viên sở hữu 700 xe khách và 250 xe tải các loại. Đến nay, 3 HTX đã giải thể, số thành viên cũng giảm gần một nửa.
Nhiều phương tiện vận tải khách gia nhập DN ngoài tỉnh, nhưng vẫn mang biển số Bình Định, hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh.
Thuế chồng thuế
Riêng tại HTX vận tải cơ giới Phù Cát, tất cả thành viên có phương tiện vận tải khách tuyến cố định đi các tỉnh phía Nam đã bỏ đi hết. Ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc HTX vận tải cơ giới Phù Cát (huyện Phù Cát), cho rằng: “Cùng một loại phương tiện vận tải hành khách, chúng tôi vừa phải kê khai nộp thuế khoán theo Quyết định 39/2013 của UBND tỉnh vừa phải nộp thuế theo doanh số hóa đơn vận chuyển, nghĩa là thuế chồng thuế với tổng số tiền lên đến 60 triệu đồng/năm; trong khi đó, các chủ phương tiện của DN ở ngoài tỉnh chỉ nộp 11 triệu đồng/năm. Vì vậy, hầu hết thành viên của HTX có 12 xe khách chạy tuyến cố định các tỉnh phía Nam đã rời HTX. Khó có thể trách họ rời bỏ HTX, nhưng đáng nói ở chỗ khi đã gia nhập DN ngoài tỉnh, các chủ phương tiện vẫn hoạt động trên địa bàn huyện và không đóng thuế”.
Tương tự, HTX vận tải 30.3 An Nhơn (TX An Nhơn) từng có tới 300 thành viên với 300 đầu xe khách hoạt động rất hiệu quả, nhưng đến thời điểm này chỉ còn 78 thành viên và hơn 40 đầu xe. Ông Trương Đạt Nhân, Giám đốc HTX, chia sẻ: “Mức thuế khoán theo Quyết định 39 quá cao, không phù hợp với điều kiện thực tế đã gây khó khăn cho các HTX vận tải. Ngoài ra, những quy định về sử dụng hóa đơn trong kinh doanh vận tải của ngành Thuế cũng gây khó cho HTX. Từ năm 2015 trở về trước, bình quân doanh thu HTX đạt 20 tỷ đồng/năm, càng về sau càng giảm, thậm chí 7 tháng đầu năm nay chưa tới 200 triệu đồng. Chúng tôi đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, song rất khó giữ chân họ!”.
Ông Đặng Văn Quý, Giám đốc HTX vận tải cơ giới 30.3 Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ) nhận định, nhiều chủ phương tiện sau khi rời bỏ HTX đã “núp bóng” DN ngoài tỉnh để trốn thuế và tạo dựng bến cóc, xe dù, tự giảm giá vé để tranh giành khách, gây bất lợi cho các HTX vận tải thực hiện tốt nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Dù nhiều lần kiến nghị ngành chức năng, nhưng đến giờ tình trạng này chưa được giải quyết. Đó cũng là nguyên nhân khiến các thành viên tiếp tục rời bỏ HTX.
Sẽ điều chỉnh, siết chặt hoạt động vận tải
Bất cập cách tính thuế, sử dụng hóa đơn trong kinh doanh vận tải trở thành vấn đề “nóng” ngay tại đối thoại giữa Cục Thuế tỉnh, Sở GTVT và các HTX vận tải trong tỉnh, diễn ra cuối tháng 7.2019. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Dự toán - Pháp chế (Cục Thuế tỉnh) thừa nhận, mức thuế khoán theo Quyết định 39 không còn phù hợp, nhưng vẫn chưa được điều chỉnh có trách nhiệm lớn của ngành Thuế.
“Cục Thuế tỉnh sẽ phối hợp các ngành chức năng, HTX vận tải để kiểm tra, xác định lại doanh thu vận tải, trên cơ sở đó tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh lại mức thu thuế phù hợp áp dụng trong năm 2020. Chúng tôi cũng chỉ đạo chi cục Thuế huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các HTX vận tải cách tính thuế vận tải theo quy định của Nhà nước, nhưng mỗi địa phương làm một kiểu. Tới đây, sẽ được điều chỉnh áp dụng thống nhất kê khai nộp thuế khoán”, ông Tuấn cho hay.
Đồng thời, ông Tuấn cũng khẳng định có tình trạng thành viên rời bỏ HTX trong tỉnh, “núp bóng” DN ngoài tỉnh tiếp tục hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh để trốn thuế. Ngoài ra, nhiều DN trong tỉnh thu nhận thành viên, rồi đưa hợp đồng thuê phương tiện của thành viên xuống Sở GTVT xin cấp phù hiệu, nhưng vài ngày sau tiến hành thanh lý hợp đồng để các chủ phương tiện sử dụng phù hiệu vận tải hành khách nhằm trốn thuế. Cục Thuế tỉnh đã và đang phối hợp các ngành liên quan xử lý các đối tượng nói trên.
Theo ông Đặng Cao Thanh, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT), từ năm 2015 đến nay có khoảng 2.000 phương tiện vận tải ở tỉnh ta đã gia nhập DN ngoài tỉnh. Hợp đồng giữa các DN ngoài tỉnh và chủ phương tiện có ghi, việc đóng thuế vận tải do chủ phương tiện đóng tại địa phương, nhưng thực tế họ không làm, ngành chức năng rất khó điều tra xử lý. “Né được thuế thì giá nào họ cũng chạy, nên các HTX vận tải trong tỉnh không cạnh tranh được. Sở GTVT sẽ tiếp tục phối hợp Cục Thuế tỉnh và Sở GTVT các tỉnh, thành kiểm tra, xử lý nghiêm đối tượng kinh doanh vận tải làm trái quy định Nhà nước”.
PHẠM TIẾN SỸ