Những sáng tạo hữu ích từ học sinh
Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bình Ðịnh lần thứ VI (2018 - 2019) đã tìm ra 3 giải thưởng cao nhất. Cả 3 sáng tạo đều được đánh giá cao về tính mới, khả năng ứng dụng thực tiễn và dễ sử dụng.
Giải pháp “Ổ cắm điện phát âm thanh dành cho người khiếm thị” của nhóm học sinh Trường THCS Phước Thuận.
Đó là các giải pháp: Máy gieo hạt sử dụng năng lượng mặt trời - Nguyễn Trịnh Quang (học sinh Trường THCS Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn); Ổ cắm điện phát âm thanh dành cho người khiếm thị - Ngô Thị Mỹ Tâm, Trương Thiết Lãm, Nguyễn Thị Ý Thơ, Nguyễn Hoàng Yến (học sinh Trường THCS Phước Thuận, huyện Tuy Phước); Hệ thống dội nước tự động cho nhà vệ sinh - Trương Thanh Long và Nguyễn Vũ Trường (học sinh Trường THCS Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân).
“Rõ ràng, giải pháp sáng tạo của các em vẫn cần bổ sung để hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là các em đã biết nghiên cứu những sản phẩm mang tính mới, khả năng ứng dụng trong thực tiễn. Ðặc biệt, tôi rất ấn tượng với giải pháp “Máy gieo hạt sử dụng năng lượng mặt trời”, nếu được DN quan tâm đầu tư thêm thì có thể ứng dụng mang lại hiệu quả cao”.
TS NGUYỄN THỊ TỐ TRÂN, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi
Theo thầy giáo Nguyễn Đình Cung (Trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Tây Sơn) - giám khảo chấm giải pháp “Hệ thống dội nước tự động cho nhà vệ sinh” cho biết, hầu hết các sản phẩm liên quan tới vấn đề tự động hóa đều sử dụng điện, nhưng ở giải pháp này các học sinh lại sử dụng hoàn toàn bằng cơ học. Khi một người đi vào nhà vệ sinh, chỉ cần “đẩy cửa vào” sẽ làm dịch chuyển tay đòn, kích hoạt van xả nước tráng bồn. Tương tự, động tác “đẩy cửa ra” khi ra khỏi nhà vệ sinh lại kích hoạt hệ thống dội nước. “Không dùng điện nhưng hệ thống vẫn có “tùy chọn thông minh” khi bên ngoài cánh cửa có một nút bấm, nếu không muốn xả tráng bồn thì nhấn vào nút này trước khi đẩy cửa bước vào trong”, ông Cung cho hay.
Với giải pháp “Máy gieo hạt sử dụng năng lượng mặt trời”, TS Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh nhận xét, cơ chế hoạt động của giải pháp khá tương đồng với công cụ gieo hạt bằng tay, nhưng học sinh Nguyễn Trịnh Quang đã biết sử dụng điện năng lượng mặt trời. Ngoài ra, máy còn gieo được cho nhiều loại hạt nhờ điều chỉnh được kích cỡ lỗ gieo hạt. Còn người thử nghiệm máy - ông Nguyễn Ngọc Ánh (thôn Túy Thạnh, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn) thì so sánh: “Trong cùng thời gian 2,5 phút, so với 2 người gieo thủ công cùng số lượng hạt thì công suất máy tăng gấp 20 lần (hạt ngô), gấp 60 lần (đậu phụng), 40 lần (đậu đen), 56 lần (đậu xanh)...”.
Học sinh Nguyễn Trịnh Quang với “Máy gieo hạt sử dụng năng lượng mặt trời”.
Lần đầu tiên tham gia chấm giải, giám khảo Trần Gia Tín - Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn tỏ ra xúc động với giải pháp sáng tạo “Ổ cắm điện phát âm thanh dành cho người khiếm thị”. Dù thị trường đồ dùng điện tử hiện đã có khá nhiều ổ cắm có đồ che, hoặc thiết bị chống giật từ đầu nguồn, nhưng không phải nơi nào, người nào cũng có điều kiện để mua và sử dụng. Còn ThS Nguyễn Minh Nhất, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn đánh giá cao giải pháp này khi học sinh đã nghĩ ra cách bật, tắt ổ cắm điện từ xa nhờ vào điều khiển (remote) có các chữ cái A, B. Khi muốn cắm điện, người khiếm thị ấn nút A, remote sẽ phát tín hiệu, thiết bị thu sóng sẽ nhận tín hiệu và thực hiện đóng điện cho ổ cắm; đồng thời phát lời cảnh báo: “Có điện, hãy cẩn thận bạn nhé”. Khi người khiếm thị đến gần khu vực ổ cắm (khoảng cách 0 - 30 cm), cảm biến khoảng cách nhận tín hiệu, kích bộ phận âm thanh tiếp tục phát ra lời cảnh báo. Khi ấn nút B, remote phát tín hiệu, thiết bị thu sóng thực hiện cắt điện và ổ cắm không còn điện nữa. Khi họ cắm xong và rời đi thì ổ cắm sẽ tự có điện trở lại.
Hai tác giả của “Hệ thống dội nước tự động cho nhà vệ sinh” và thầy giáo hướng dẫn Nguyễn Văn Rốt.
Cả 7 chủ nhân của 3 giải pháp đoạt giải nhất cuộc thi đều là học sinh THCS, với những ý tưởng sáng tạo được hình thành từ thực tiễn cuộc sống và mong muốn góp sức mình giúp gia đình, người thân nâng cao năng suất lao động, hỗ trợ người kém may mắn trong xã hội. “Ý tưởng của nhóm bắt đầu từ việc chứng kiến cảnh sinh hoạt hàng ngày của người khiếm thị, đặc biệt trong tiếp xúc với thiết bị điện gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm. Sau khi suy nghĩ và tìm hiểu, trong 4 tháng nhóm đã nghiên cứu hoàn chỉnh ổ cắm điện phát âm thanh dành cho người khiếm thị, như một sự chia sẻ với họ”, em Ngô Thị Mỹ Tâm, Trưởng nhóm giải pháp “Ổ cắm điện phát âm thanh dành cho người khiếm thị” bộc bạch.
NGỌC TÚ