Quanh một chữ “quay”
Hầu hết chúng ta đều nghĩ quay trong quay vịt, heo quay là một phương thức chế biến thức ăn, cũng như chiên, xào, hấp, luộc… Từ điển tiếng Việt cũng định nghĩa quay là “làm chín vàng cả khối thịt bằng cách xoay đều trên lửa hoặc rán trong chảo mỡ đậy kín” (Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr.792).
Tuy nhiên, sẽ thú vị hơn nếu ta biết từ quay trên bắt nguồn từ quay có nghĩa gốc “chuyển động hoặc làm cho chuyển động quanh một trục hay một điểm ở trung tâm một cách đều đều, liên tục” (Sđd, tr.792), như trong quay tơ, bánh xe quay đều. Khác với khi nướng, thức ăn được trở qua, lại cho chín từng bề mặt; khi quay, thức ăn được quay đều cho đến chín (thậm chí hiện nay, ở nhiều cửa hàng, người ta còn sử dụng máy móc để hỗ trợ việc quay thức ăn). Vì thịt được chế biến bằng cách quay như vậy, nên người ta gọi là quay thịt. Và quay trở thành một từ chỉ phương thức chế biến thức ăn, bên cạnh từ quay nghĩa gốc như trên đã dẫn.
Ta thường nghe nhiều đến quay phim, quay video. Không ít người sẽ băn khoăn tại sao gọi là quay trong khi hoạt động ghi video lại được thực hiện bằng cách ấn vào nút/ biểu tượng quay (thường là chấm tròn màu đỏ) trên máy quay, điện thoại.
Thật ra, đây là cách ghi video trên các thiết bị quay hiện đại. Còn trong buổi bình minh của máy quay phim, người ta phải thực hiện bằng cách khác, gồm nhiều thao tác thủ công, trong đó quan trọng nhất là quay băng ghi hình để hình ảnh được ghi lại (ban đầu, máy quay chưa ghi được âm thanh). Chính vì trong hoạt động ghi hình cho video, thao tác nổi bật là quay nên người ta gọi quay phim, quay video.
Ngày nay, với các thiết bị hiện đại, việc ghi video đã đơn giản hơn rất nhiều và thao tác quay không còn nữa. Tuy nhiên, người ta vẫn dùng từ quay cho các hoạt động này. Thậm chí, thiết bị để ghi video, người ta vẫn gọi là máy quay phim hay gọn hơn là máy quay; giá đỡ của máy quay, người ta cũng gọi là chân quay. Trong tiếng Việt, có nhiều từ phản ánh lịch sử ra đời, phát triển của nhiều vật dụng. Quay trong quay phim là một từ như vậy.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ