Chia sẻ với nạn nhân da cam
Ngày 8.8, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tổ chức Lễ kỷ niệm 58 năm thảm họa da cam Việt Nam (10.8.1961 - 10.8.2019), gặp mặt, biểu dương 12 nạn nhân da cam và 10 người nuôi dưỡng tiêu biểu, tặng bằng tri ân Tấm lòng vàng cho 5 nhà tài trợ.
Mong ước và hạnh phúc của cha mẹ gieo trọn trong hình hài, sự khôn lớn, trưởng thành của những đứa con. Nhưng, nhiều gia đình đang gánh chịu di chứng của chất độc hóa học không có được hạnh phúc ấy.
Bà Nguyễn Thị Phương Lan (bìa trái) cùng với những người mẹ có con là nạn nhân da cam khác xúc động trước những tâm sự của đại diện các gia đình nạn nhân da cam.
37 năm nuôi đứa con gái khiếm khuyết do ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, bà Nguyễn Thị Phương Lan (64 tuổi, ở thôn Tả Giang 2, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) thấy mình mỏi mệt, rệu rã. Hằng ngày, bà đi bán vé số để nuôi con. Trở về nhà, bà tất bật với dọn dẹp, vệ sinh con cái, nhà cửa. Bà kể: “37 tuổi mà con tôi còn tệ hơn trẻ con, suốt ngày đập đá đồ ăn, vật dụng, không tự chủ vệ sinh... Mỗi lần về nhà là rớt nước mắt vì buồn, đắng. Mai mốt mình mất đi, lấy ai đủ yêu thương, đủ kiên nhẫn để lo lắng, chăm sóc cho nó đây?”.
Cũng tròn 37 năm, vợ chồng ông Tạ Lương Thiện (62 tuổi, ở khu phố 3, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh) đã trải qua bao nỗ lực, hy vọng, buồn, tủi. Là chiến sĩ Sư đoàn 312, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường miền Nam, trở về quê hương, ông Thiện lập gia đình. Con gái đầu lòng Tạ Thị Thu Lan có đôi mắt mờ ngay từ khi vừa sinh ra. Vợ chồng ông cố công chạy chữa và vui mừng khôn xiết khi thị lực của con dần hồi phục. Nhưng đến năm 4 tuổi, con gái ông bị liệt toàn thân sau một đêm ngủ dậy.
“Sau thời gian điều trị, cháu bị liệt nửa người, lại thêm chứng động kinh. Có ngày cháu co giật đến 40 lần. Người ta nói thời gian trôi vô tình, công việc làm hằng ngày, khó khổ, buồn tủi ra sao, mình quen rồi. Đến hôm nay, có dịp đứng ở đây chia sẻ cùng những anh chị em khác có hoàn cảnh giống mình, tôi lại xúc động”, ông Thiện bộc bạch.
Đồng cảm với hoàn cảnh như ông Thiện, bà Lan, những năm qua, nhiều đơn vị, cá nhân đã đồng hành với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hỗ trợ các gia đình hội viên. 6 tháng đầu năm 2019, Siêu thị nội thất Đài Loan Opal tiếp tục hỗ trợ 40 triệu đồng cho các gia đình nạn nhân mỗi tháng. Công ty TNHH Xổ số kiến thiết Bình Định ủng hộ 20 triệu đồng. Sư cô Hòa Liên ủng hộ 150 suất quà trị giá 45 triệu đồng. CLB Thiện nguyện Hội LHPN phường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn) hỗ trợ 2 trường hợp với tổng số tiền 18 triệu đồng. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh và Hội Hữu nghị Việt - Hàn tỉnh kêu gọi Hội Những người Hàn Quốc yêu Việt Nam hỗ trợ xây nhà, tặng quà, hỗ trợ công tác phục hồi chức năng cho nạn nhân da cam với tổng số tiền 200 triệu đồng...
Ông Văn Hiệp, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, tặng Bằng tri ân Tấm lòng vàng cho các nhà tài trợ tiêu biểu.
Ông Ngô Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Hàn tỉnh, cho biết: “Tôi có cơ hội tiếp xúc nhiều gia đình nạn nhân da cam trong thời gian gần đây và những câu chuyện của các gia đình luôn làm tôi xúc động. Vừa qua, tôi có dịp phát biểu trước rất nhiều đơn vị trong và ngoài nước để kêu gọi hỗ trợ cho nạn nhân da cam trong tỉnh. Rất vui vì Hội Những người Hàn Quốc yêu Việt Nam đã hỗ trợ cho nạn nhân da cam Bình Định. Hiện nay, một nhà tài trợ khác cũng đã ủng hộ xây nhà ở cho nạn nhân da cam. Chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối với các DN, các tổ chức để chia sẻ khó khăn với các gia đình nạn nhân da cam trong tỉnh”.
NGUYỄN MUỘI