Hà Nội có nhiều trường quốc tế tự phong
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện tại, ở Hà Nội chỉ có 7 trường quốc tế đang hoạt động, số trường còn lại có gắn thêm chữ “quốc tế” nhưng bản chất không phải như vậy.
Theo lãnh đạo sở này, trường quốc tế chủ yếu là để học sinh quốc tế theo học, trong đó có một tỉ lệ nhỏ học sinh Việt Nam. Trường dạy học theo chương trình quốc tế và tuân theo nhiều quy định khác nữa, cụ thể như quy định về giáo viên, chất lượng…
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội), cho biết, các trường để tên “quốc tế” hiện nay có thể là do trường tự đặt ra. Muốn biết trường có được cấp phép hoạt động đúng như vậy hay không phải kiểm tra giấy phép hoạt động của trường sẽ rõ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nếu đơn vị nào cấp phép để hoạt động dưới mác “quốc tế” cũng sai.
Ông Vũ cho biết, theo nguyên tắc những trường có yếu tố đầu tư nước ngoài vẫn phải đặt tên tiếng Việt. Tên tiếng Anh nếu có cũng chỉ được mở ngoặc để bên cạnh. Ví dụ, ở quận Tây Hồ có một số trường ban đầu xin cấp phép cũng để tên tiếng Anh nhưng phòng GD&ĐT đề nghị chỉ được đứng tên tiếng Việt như: Ánh Dương, Khởi Nguyên…
Ông Vũ cũng cho rằng, hiện nay một số trường có xu hướng lấy tên nước ngoài để thu hút phụ huynh. Họ đánh vào tâm lý sính ngoại và đẻ ra nhiều chương trình gắn nhãn công dân toàn cầu… để thu học phí cao. “Nếu không đúng bản chất là trường quốc tế mà dán nhãn quốc tế thì cái sai đó thuộc về các cấp quản lý”, ông Vũ nói.
Ông thông tin thêm, trên địa bàn quận Tây Hồ hiện có một số trường quốc tế đang hoạt động. Tuy nhiên, trường này được Bộ GD&ĐT cấp phép hoạt động. Những trường quốc tế thực sự phải dạy học theo chương trình quốc tế, 100% vốn đầu tư nước ngoài…
Ngày 8.8, trong chương trình thanh, kiểm tra tại Hà Nội, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội sớm tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra những cơ sở giáo dục mang danh quốc tế đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội.
Theo Nguyễn Hà (TP)