Xây dựng thương hiệu bò thịt chất lượng cao
UBND tỉnh vừa chỉ đạo Sở NN-PTNT xúc tiến việc xây dựng thương hiệu bò thịt chất lượng cao, nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, về vấn đề này.
* Xin ông cho biết vì sao tỉnh ta lại chọn bò thịt để xây dựng thương hiệu chất lượng cao?
- Trong những năm gần đây, phong trào chăn nuôi bò thịt ở tỉnh ta phát triển khá mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, Bình Định là một trong những tỉnh có số lượng đàn bò cao nhất ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên với tổng đàn 260 ngàn con; đặc biệt là “thương hiệu” bò lai Bình Định đã trở nên khá quen thuộc với người chăn nuôi trong cả nước. Đến nay, tỉ lệ bò lai ở tỉnh ta hiện chiếm đến 70% tổng đàn, cao gần gấp đôi so với tỉ lệ bò lai bình quân của cả nước.
Chính việc xây dựng và thực hiện thành công chiến lược cải tạo đàn bò từ rất sớm nên đàn bò lai trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh, đạt từ 1-2%/năm. Nhờ vậy, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt từ 23.000 - 25.000 tấn/năm. Thị trường truyền thống tiêu thụ bò thịt của tỉnh ta chủ yếu là các tỉnh phía Nam, như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và gần đây là Đà Nẵng, Quảng Nam.
Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi bò thịt đã bộc lộ nhiều hạn chế và thiếu tính bền vững. Cụ thể là quy mô chăn nuôi còn nhỏ, phân tán; việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi hạn chế; nông dân khó tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển chăn nuôi; dịch bệnh gia súc thường xuyên đe dọa; đầu ra sản phẩm không ổn định; hiệu quả kinh tế của đàn bò thịt chưa tương xứng với tiềm năng.
Để phát huy lợi thế cạnh tranh về chăn nuôi bò so với các địa phương trong khu vực, tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, UBND tỉnh đã giao ngành Nông nghiệp tỉnh xúc tiến việc xây dựng thương hiệu đàn bò thịt chất lượng cao. Dự kiến đến năm 2015, Bình Định sẽ xây dựng thành công thương hiệu bò thịt chất lượng cao để có sản phẩm cung ứng rộng rãi trên thị trường cả nước; đồng thời là cơ sở để cung ứng giống cho các địa phương trong khu vực và cả nước.
* Để xây dựng thành công thương hiệu bò thịt chất lượng cao, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ triển khai những biện pháp gì, thưa ông?
- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT đang tăng cường hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh việc lai tạo đàn bò thịt chất lượng cao gồm các giống năng suất, chất lượng cao như: Brahman trắng, Brahman đỏ, Red Sind, Sahiwal, Limousine, Crimousine, Charolais, Drought Master, Red Angus. Để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh xúc tiến xây dựng trang web bò chất lượng cao Bình Định. Trang web này sẽ tập trung giới thiệu những giống bò chất lượng cao của tỉnh, đồng thời cũng là diễn đàn để người chăn nuôi có thể gặp gỡ, giao lưu, mua bán các giống bò chất lượng cao.
Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng đề án thương hiệu bò thịt chất lượng cao trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai lộ trình thực hiện. Trong đó, ngành Nông nghiệp sẽ tổ chức quy hoạch lại các khu chăn nuôi tập trung, đầu tư cơ sở hạ tầng, có chính sách phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô lớn kết hợp kiểm soát dịch bệnh một cách chặt chẽ. Ngành cũng sẽ tăng cường chuyển giao các tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, thực hiện tốt công tác tiêm phòng, quản lý chặt chẽ công tác giết mổ.
Bên cạnh đó, mỗi năm ngân sách tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ từ 1,2 - 1,5 tỉ đồng mua tinh giống, vật tư thú y, trang thiết bị để lai tạo đàn bò. Ngành chức năng sẽ tiếp tục đào tạo và phát triển đội ngũ dẫn tinh viên, cũng như mở thêm nhiều điểm thụ tinh nhân tạo. Hiện nay, toàn tỉnh có 90 điểm thụ tinh nhân tạo bò với 96 dẫn tinh viên hoạt động hiệu quả cao. Đồng thời, thông qua Dự án Sinh kế nông thôn bền vững, Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi để người chăn nuôi mở rộng, phát triển sản xuất. Thực hiện tốt việc liên kết “4 nhà” gồm nhà nông, nhà khoa học, Nhà nước, doanh nghiệp để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, tăng hiệu quả chăn nuôi.
* Để việc phát triển chăn nuôi được ổn định và phát triển bền vững, công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc được triển khai như thế nào?
- Trước đây, khi chăn nuôi còn mang tính nhỏ lẻ, ý thức phòng chống dịch bệnh cho gia súc chưa được người chăn nuôi quan tâm, tỉ lệ đàn gia súc được tiêm phòng hàng năm khá thấp. Gần đây, nhờ tăng cường công tác vận động, tuyên truyền về hiệu quả của việc tiêm phòng nên hầu hết bà con chăn nuôi đã hợp tác với ngành chức năng, chú trọng việc tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc. Qua 2 đợt tiêm phòng của năm 2013, trên 85% đàn gia súc trên địa bàn tỉnh được tiêm phòng bệnh lở mồm long móng.
Khi triển khai xây dựng thương hiệu bò thịt chất lượng cao, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh. Tổ chức củng cố và phát triển mạng lưới thú y cơ sở rộng khắp, tăng cường hỗ trợ nguồn vắc-xin tiêm phòng cho đàn bò thịt, nhằm tăng tính cạnh tranh, tăng giá trị chăn nuôi và tăng nguồn thu nhập cho nông dân.
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN HÂN (thực hiện)