Day dứt nỗi đau da cam
Di chứng nặng nề của chất độc hóa học/dioxin đã đè nặng lên thế hệ thứ ba của các gia đình có thành viên phơi nhiễm chất độc da cam. Những người cha, người mẹ từng đứt ruột khi chứng kiến con mình trong hình hài dị dạng, khiếm khuyết trí tuệ, nay lại tiếp tục chết lặng một lần nữa trước đứa cháu kém may mắn.
Biết đến khi nào kết thúc?
Tham gia cách mạng từ năm 1967, vợ chồng ông Đặng Văn Sách (66 tuổi, ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) từng chiến đấu dưới những tán rừng bị kẻ thù rải chất độc hóa học/dioxin (CĐHH). Hòa bình lặp lại, ông Sách trở về quê hương với chứng nhận thương binh 23%, vợ ông - bà Phan Thị Thu là thương binh 31%. Họ sinh 6 người con. 3 người con đầu đều mất. Hai người con trai tiếp theo hoàn toàn bình thường. Con gái út Đặng Thị Mỹ Hà (hiện 40 tuổi) chân tay co quắp, nói ngọng, không tự chủ trong sinh hoạt hằng ngày.
Ba thế hệ gồm vợ chồng ông Đặng Văn Sách, con gái út Đặng Thị Mỹ Hà và cháu trai Đặng Thanh Sang đều bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học/dioxin.
“Đã có thời, tôi đưa Hà xuống Quy Nhơn, vào Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) để cứu chữa. Bác sĩ nói con tôi bị nhiễm CĐHH, tôi còn cố cãi: Sao hai đứa con trai còn lại của tôi đều bình thường. Đến khi nghe nhiều thông tin trên báo đài, tôi nhận ra cái thứ thuốc mà địch từng rải làm rụng hết lá cây trong rừng nhưng mình vẫn hái trái cây rừng ăn, múc nước suối uống lại tác động ghê gớm đến chính mình và con cháu. Sau Hà, con của con trai lớn bị mềm sọ rồi qua đời. Con của con trai thứ hai, cháu Đặng Thanh Sang (hiện 21 tuổi) thần kinh không ổn định, hay co giật”, bà Thu kể.
Như rất nhiều gia đình bị phơi nhiễm CĐHH khác nơi làng quê nghèo khó, vợ chồng ông Sách từng trải qua những ngày tháng cơ cực. Họ từng đi nhặt từng mảnh pháo, mảnh đạn còn sót lại, hái từng bó lá giang... đi bán. Nguy hiểm, cơ cực nhưng tất cả nỗ lực đều vì con. Không kể nhiều về những vất vả trong chăm sóc, lo toan cho con, cháu, vợ chồng ông gửi gắm trăn trở về tương lai của những thế hệ sau của gia đình mình. CĐHH sẽ đeo bám gia đình ông đến bao giờ? Câu hỏi này, ông đã từng tâm sự với đoàn công tác của Bộ Y tế khi họ về lấy máu cả gia đình để nghiên cứu về phơi nhiễm dioxin năm 2000 và đến nay chưa có lời hồi đáp.
Chờ đợi một sự quan tâm
Nựng nịu đứa cháu nội 5 tuổi có bộ dạng ngô nghê, bà Phan Thị Bích (67 tuổi, ở KV 5, phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) kể cho tôi nghe về gia đình mình. Chồng bà, ông Hoàng Văn Hoàn từng chiến đấu ở mặt trận Bình Trị Thiên. Hai năm trước, ông mất vì ung thư túi mật. Di chứng của CĐHH đã biểu hiện lên người con trai thứ hai của ông bà. Anh bị dị tật sứt môi hở hàm ếch. Đến thế hệ thứ 3, sau đứa cháu trai đầu (con của con trai cả) khỏe mạnh, năm 2014, cả gia đình bàng hoàng khi đứa cháu thứ hai Hoàng Gia Linh mắc bệnh não phẳng. Họ đưa cháu đi khắp nơi để chữa trị nhưng các bác sĩ đều lắc đầu.
Ông Hoàng Văn Tuất, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn) tặng quà cho bé Hoàng Gia Linh, thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng CĐHH của gia đình bà Phan Thị Bích.
Việc vợ chồng anh con trai thứ hai sinh được đứa con đầu khỏe mạnh đã nhen lên ngọn lửa hy vọng cho vợ chồng người con đầu của bà Bích. Nhưng phải đến 5 năm sau, họ mới quyết định sinh thêm cháu nữa. Chị Trần Thị Tuyết Phương (35 tuổi, con dâu lớn của bà Bích) kể: “Sự tiến bộ của y học làm chúng tôi có niềm tin. Nhưng thẳm sâu trong lòng vẫn là nỗi lo lắng, hoang mang. Suốt thai kỳ, tôi vào TP Hồ Chí Minh mỗi tháng để khám, theo dõi. Ở tháng thứ 5, em bé có biểu hiện nhẹ cân giống như bé Linh. Phải đến tháng thứ 7, bé mới đạt được cân nặng chuẩn. Các xét nghiệm đều cho thấy não của bé phát triển bình thường. Vậy mà, cả nhà vẫn không bớt lo. Đợi đến khi bé chào đời khỏe mạnh, cả nhà mới có thể thở phào đôi chút. Tôi đã quyết định nghỉ công việc là một nhân viên ngân hàng, mở một tiệm quần áo em bé ở nhà để có thể chăm sóc tốt các con”.
CĐHH đã kéo dài sang thế hệ thứ ba và có thể kéo dài sang nhiều thế hệ nữa nhưng các chính sách vẫn chưa đuổi kịp. Bà Phan Thị Bích tâm sự: “Tôi rất mong thế hệ thứ 3 cũng nhận được hỗ trợ. Sự hỗ trợ này không thể bù đắp hết được nỗi đau da cam nhưng kịp thời động viên những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con cháu của họ. Điều này cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với thế hệ sau của những người đã đóng góp tuổi trẻ, sức khỏe, cả xương máu cho hòa bình, độc lập của đất nước. Họ xứng đáng với điều đó”.
Những năm qua, cử tri Bình Định và nhiều tỉnh khác đã gửi kiến nghị đến các kỳ họp Quốc hội về việc bổ sung chế độ trợ cấp cho thế hệ thứ 3 được xác định bị ảnh hưởng CĐHH. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp cũng có chung kiến nghị. Song, việc xác định khuyết tật do nguyên nhân CĐHH đối với các thế hệ càng ngày càng xa cuộc chiến tranh khá khó khăn và phức tạp.
Và các gia đình tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH vẫn mỏi mòn chờ một chính sách mới dành cho các thế hệ tiếp theo. Đừng để họ đơn độc trong cuộc vật lộn với nỗi ám ảnh hậu chiến tranh!
NGUYỄN MUỘI