Bình Ðịnh - nơi hội tụ, kết nối võ cổ truyền
Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam do Bình Ðịnh khởi xướng và tổ chức lần đầu tiên vào năm 2006. Năm 2019, Liên hoan đã có lần tổ chức thứ VII, Bình Ðịnh tiếp tục là nơi hội tụ, kết nối võ cổ truyền Việt Nam trong và ngoài nước.
Trải qua hàng nghìn năm chắt lọc, trao truyền võ cổ truyền là một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc. Võ cổ truyền luôn gắn liền với đời sống lao động, sinh hoạt và đặc biệt là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha.
***
Võ cổ truyền là di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, không chỉ đơn thuần là những bài võ nhằm rèn luyện con người nâng cao khả năng tự vệ, hướng tới sự hòa hợp về thể chất và tinh thần, thông qua việc tập luyện võ còn khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tinh thần thượng võ và tính nhân văn. Võ học và võ đạo sản sinh trên nền tảng giá trị lịch sử, phong tục tập quán, địa lý và tâm thức dân tộc.
Biểu diễn võ thuật tại chùa Long Phước. Ảnh: V.L
Võ cổ truyền Việt Nam tồn tại và phát triển dưới nhiều hình thức và cách thức khác nhau, được trao truyền và lưu giữ từ đời này qua đời khác trong mỗi gia đình, dòng tộc cũng như các lò võ trong và ngoài nước. Võ cổ truyền đã trở thành một mảng văn hóa tinh thần đầy tự hào của người Việt Nam và được ứng dụng trong các trò chơi dân gian, lễ hội giao lưu trong cộng đồng.
Trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm, từ chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938 đánh tan quân Nam Hán đến 2 lần kháng chiến chống Tống, 3 lần kháng chiến chống Nguyên Mông, 1 lần kháng chiến chống Minh và đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược… võ thuật trong dân gian, trong cung đình và đặc biệt trong quân đội có môi trường, điều kiện kế thừa, chắt lọc và phát triển mạnh mẽ. Cũng từ đó, nhiều nhân tài võ học xuất hiện tạo dựng nên các triều đại: Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Tây Sơn… hết thảy đều là các tài năng văn võ song toàn.
Bình Định, vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, lưu giữ nhiều giá trị di sản vật thể, phi vật thể đặc sắc, từng là trấn biên của Đại Việt. Đất và người Bình Định đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Địa linh Bình Định đã hun đúc nhiều anh hùng, danh nhân lịch sử, tiêu biểu là “Tây Sơn Tam Kiệt”, đã đưa võ cổ truyền Bình Định phát triển rực rỡ nhất. Sự xuất hiện của hàng loạt võ nhân xuất sắc ở cương vị tướng lãnh quân đội Tây Sơn đã lập nên những chiến công vang dội. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, những người con quê hương đất võ Bình Định đã có những đóng góp để lại dấu son lịch sử như: Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ…
Trải qua bao đời, vùng đất Bình Định là nơi hội tụ những anh tài võ học như: Trần Kim Hùng, Diệp Đình Tòng, Trương Văn Hiến, Đinh Văn Nhưng… Những năm qua, có nhiều người ở các tỉnh thành trong cả nước đã tìm về các võ đường nổi tiếng ở Bình Định để tầm sư học đạo và các võ sư võ cổ truyền Bình Định được các nước mời về truyền dạy.
Bình Định được mệnh danh là miền đất Võ và đi liền với những câu ca dao: “Ai về Bình Định mà coi, con gái Bình Định bỏ roi đi quyền”, “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”… Đến năm 2012, Võ cổ truyền Bình Định được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đất võ Bình Định là nơi khởi xướng và tổ chức Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần đầu tiên năm 2006, Liên hoan đã trở thành nơi hội tụ định kỳ của những người đam mê, yêu quý võ thuật truyền thống Việt Nam.
Năm 2019, Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VII, Bình Định tiếp tục vinh dự là nơi hội tụ, kết nối võ cổ truyền Việt Nam trong và ngoài nước. Đây là niềm tự hào, thể hiện sức lan tỏa mạnh mẽ của võ cổ truyền Việt Nam - một di sản văn hóa của dân tộc.
Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VII - Bình Định năm 2019 được mở rộng về quy mô cũng như chất lượng của các đoàn võ thuật tham gia Liên hoan. Qua đó khẳng định giá trị độc đáo và sức sống lâu bền của võ cổ truyền Việt Nam nói chung, và võ cổ truyền Bình Định nói riêng, trong nước và quốc tế.
Theo thống kê, hiện nay ước tính có khoảng 400 trung tâm đào tạo, huấn luyện, môn phái, võ phái, võ đường, CLB với khoảng 900 võ sư, HLV và hơn 1 triệu lượt môn sinh theo học võ cổ truyền Việt Nam hoạt động trên 45 nước, tiêu biểu là: Australia, Algeria, Campuchia, Canada, Czech, Congo, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Italia, Nhật Bản, Nga, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, Ma Rốc, Áo …
Nguyên Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh khẳng định: Võ cổ truyền Bình Định trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm vinh dự của người dân địa phương mà còn là niềm tự hào của những người yêu thích võ cổ truyền Việt Nam trong nước và quốc tế. Với 7 lần làm cầu nối để bạn bè năm châu đến với đất nước Việt Nam, đến với miền đất võ Bình Định, võ cổ truyền đã góp phần quảng bá tiềm năng, xúc tiến đầu tư, tạo động lực phát triển KT-XH của tỉnh Bình Định.
NGUYỄN THANH QUANG