Nhận biết bột ngọt thật - giả
Ngày 7.5.2019 , Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp với Phòng PC 03 CA tỉnh tiến hành khám kho chứa hàng hóa của ông Nguyễn Ngọc Ánh, thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân, huyện Phù Cát (ảnh). Kết quả phát hiện 1.346 kg bột ngọt các loại giả mạo nhãn hàng hóa các nhãn hiệu Miwon, Orsan, A-One, Ajinomoto. Qua công tác thẩm tra, xác minh có dấu hiệu tội phạm nên chuyển hồ sơ cùng tang vật vi phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra CA tỉnh để xử lý theo quy định pháp luật.
Theo các nhà chuyên môn, việc sử dụng nhiều bột ngọt giả có thể bị dị ứng, có cảm giác choáng váng, nhức đầu… Biểu hiện dễ nhận thấy nhất là nôn mửa, tiêu chảy. Nếu bạn sử dụng trong thời gian dài dễ dẫn đến suy gan, thận và dễ gây ung thư.
Làm sao để phân biệt bột ngọt giả và cách thức sử dụng bột ngọt? Theo ông Nguyễn Văn Minh, Tổ trưởng Tổ Marketting Siêu thị Co.opmart Quy Nhơn, rất khó phân biệt bột ngọt giả với thật nếu chỉ nhìn bằng mắt, vì thế khi mua bột ngọt cần lựa các cửa hàng, hệ thống lớn có uy tín để mua. Về bao bì sản phẩm, nếu quan sát kỹ ta sẽ thấy bao bì bột ngọt giả được đóng gói cẩu thả, vết hàn nhựa lồi lõm, chất liệu bao bì kém nên thường nổi những hạt nhựa thô ráp lên bề mặt bao. Tên thương hiệu bị lem, không có hạn sử dụng hoặc có nhưng rất mờ.
Bột ngọt thật thường các hạt đều nhau, to và không bị gãy. Bột ngọt giả thường đóng bụi trắng, thường vỡ vụn nhiều. Đặc biệt, bột ngọt giả rất lâu mới tan hết trong nước. Nếu nghi ngờ sản phẩm, bạn có thể khuấy ít bột ngọt rồi nếm thấy có vị lạ, làm the the lưỡi thì là bột ngọt giả.
CÔNG HIẾU