Ðể tôn giáo luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 51-KH/TU thực hiện Ðề án “Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo tại tỉnh Bình Ðịnh”, nhằm tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Đồng bào các tôn giáo trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 178.580 tín đồ, luôn phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, sống tốt đời đẹp đạo; hưởng ứng các cuộc vận động do MTTQ phát động, các phong trào thi đua yêu nước; đồng thuận, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tốt đời, đẹp đạo
Từ thiện xã hội là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhằm góp phần chia sẻ khó khăn với đồng bào nghèo, đồng thời thể hiện tinh thần từ bi của đạo Phật và đạo lý tương thân tương ái của dân tộc. Trong giai đoạn 2012 - 2017, hoạt động từ thiện của các ban, ngành thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định có giá trị lên đến 8,433 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các chức sắc Phật giáo tại Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2017 - 2022.
Bên cạnh đó, Hòa thượng Thích Nguyên Phước - Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh - khẳng định: Giáo hội luôn gương mẫu trong thực hiện đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, khẳng định đường hướng hành đạo “Đạo pháp và Dân tộc” để tiếp nối truyền thống Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó và đồng hành cùng dân tộc. “Phật giáo Bình Định đã, đang và sẽ tham gia tích cực phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, hòa hợp tôn giáo”, Hòa thượng Thích Nguyên Phước chia sẻ.
Trong khi đó, với Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh, ban bác ái của giáo phận, các linh mục, nữ tu, bà con giáo dân trong tỉnh đã tích cực tham gia đóng góp vào Quỹ Vì người nghèo tại địa phương, thường xuyên giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn...; với tổng giá trị đóng góp trong giai đoạn 2012 - 2017 là trên 3 tỷ đồng, 50 tấn gạo, giúp xây dựng 30 căn nhà tình thương. Việc tham gia bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn ANTT trong các giáo xứ - họ đạo đều được thực hiện tốt.
Linh mục Võ Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh, cho rằng: “Sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp, sự hướng dẫn động viên của MTTQ, cùng với đường hướng mục vụ Thư Chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” là động lực thúc đẩy giới Công giáo chúng tôi tham gia tốt hơn vào sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo Bình Định, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh”.
Tiếp tục phát huy vai trò của các tôn giáo
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 51-KH/TU thực hiện Đề án “Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo tại tỉnh Bình Định”. Mục đích quan trọng được đặt ra là nâng cao trách nhiệm công dân, truyền thống yêu nước của chức sắc, tín đồ các tôn giáo, đấu tranh với những âm mưu lợi dụng tôn giáo gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy vai trò cốt cán phong trào và người tiêu biểu của các tôn giáo trong vận động đoàn kết tôn giáo.
Một trong những nội dung chính của Kế hoạch là tiếp tục cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, của đồng bào có đạo; củng cố niềm tin của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo đối với Đảng, Nhà nước. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển KT-XH, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào có đạo tại địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị Phong Vũ - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - để thực hiện tốt Kế hoạch số 51-KH/TU, nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh là chủ trì, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội và cơ quan nhà nước cùng cấp xây dựng, ký kết các chương trình phối hợp với các tổ chức, tôn giáo trực thuộc. Qua đó, phát huy vai trò của các tôn giáo trong tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội, y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội, dạy nghề, bảo vệ môi trường…
Bên cạnh đó là phát huy tốt quyền làm chủ của người dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo thông qua vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tôn giáo. Thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong vùng đồng bào có đạo.
NGUYỄN VĂN TRANG