Phòng bệnh co thắt tâm vị
Co thắt tâm vị là một rối loạn vận động nguyên phát của thực quản. Độ tuổi mắc bệnh là 25 - 60 tuổi, trong đó hay gặp nhất 30 - 40 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh nam và nữ ngang nhau.
Bác sĩ CKII Bành Quang Khải (TTYT TP Quy Nhơn) cho biết: Nuốt nghẹn là triệu chứng nổi bật nhất của bệnh. Nuốt nghẹn thức ăn đặc gặp đa số ở người bệnh. 2/3 số trường hợp nuốt nghẹn cả thức ăn lỏng; nôn mửa xảy ra 60 - 90% người bệnh. Nôn thường xảy ra sớm sau ăn hoặc khi nằm nghiêng. Nôn mửa là do thức ăn đọng lại tại đoạn thực quản bị giãn trên chỗ hẹp, lúc đầu số lượng ít về sau tăng dần lên theo tiến triển của bệnh. Đau ngực là hiện tượng hay gặp ở khoảng 1/3 số người bệnh. Đau ở vị trí sau xương ức và thường xảy ra sau ăn. Ngoài ra người bệnh có thể sụt cân (do khó nuốt và nôn), viêm phổi, khó thở do sặc thức ăn vào đường hô hấp.
Như trên đã nói, dấu hiệu nổi bật nhất của co thắt tâm vị là nuốt nghẹn. Nguyên nhân gây bệnh co thắt tâm vị chủ yếu là do các yếu tố như nhiễm trùng, tự miễn, cơ địa, di truyền, một số bệnh nội tiết, viêm dính quanh thực quản, giảm trương lực cơ thực quản, do chế độ ăn như ăn nhiều glucid, ít protid, thiếu vitamin nhóm B, thói quen ăn quá nóng hoặc quá lạnh, do rượu, thuốc lá hoặc chất hóa học độc với thần kinh.
Muốn điều trị đạt hiệu quả cao, phải phát hiện bệnh thật sớm. Ở người trưởng thành nếu có các triệu chứng: nuốt nghẹn, nôn ọe sau khi ăn, đau ngực sau xương ức, nên đi khám càng sớm càng tốt. Nếu nghi ngờ bệnh co thắt tâm vị, bác sĩ sẽ chỉ định chụp thực quản có cản quang, nội soi dạ dày - thực quản.
Hiện nay có các biện pháp điều trị co thắt tâm vị như: dùng thuốc ức chế kênh canxi và nitrat (sử dụng cho bệnh nhân lớn tuổi không thể nong bằng bóng hoặc phẫu thuật); tiêm độc tố Botulinum vào lớp cơ thực quản (hiệu quả trong 30% trường hợp); nong thực quản bằng bóng bơm hơi (hiệu quả 70- 80% trường hợp); phẫu thuật mổ hở (PT Heller) hoặc mổ nội soi (PT Heller nội soi): hiệu quả 85 - 95%. Mục đích là rạch lớp cơ thực quản dưới đến sát niêm mạc để giải phóng chỗ hẹp.
“Để phòng bệnh co thắt tâm vị, ta không nên ăn uống vội vàng, tránh ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, giảm tinh bột, tăng chất đạm, rau xanh và thực phẩm chứa vitamin nhóm B. Không lạm dụng bia rượu, thuốc lá. Vệ sinh răng miệng hàng ngày, vận động cơ thể nâng cao sức đề kháng, điều trị tích cực các bệnh nhiễm trùng. Về phía cộng đồng cần quan tâm đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh thực phẩm có hóa chất độc hại”, bác sĩ CKII Bành Quang Khải khuyên.
THÙY VY (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)