Ðưa vào tiêm chủng vắc xin SII: Tránh tình trạng thiếu vắc xin 5 trong 1
Viện Pasteur Nha Trang vừa cung cấp cho tỉnh Bình Ðịnh 16.000 liều vắc xin 5 trong 1 đầu tiên loại DPT-VGB-Hib (SII). Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Trung cho biết, vắc xin SII sẽ được triển khai ngay trong đợt tiêm chủng mở rộng định kỳ vào cuối tháng 8.2019.
* Sau hơn nửa năm triển khai vắc xin ComBE Five thay thế Quinvaxem, đã xuất hiện một số trường hợp phản ứng nặng và tử vong, làm dấy lên những lo lắng trong cộng đồng, vì sao nay tỉnh ta lại triển khai thêm một loại vắc xin mới, thưa ông?
- Đến nay, Bình Định đã ghi nhận 919 trường hợp phản ứng sau tiêm ComBE Five (chiếm 2,2% tổng số liều vắc xin sử dụng), nhưng hầu hết là phản ứng thông thường, có 20 trường hợp phản ứng nặng (0,05%), 1 trường hợp tử vong nghi ngờ có bệnh tim bẩm sinh. Từ đợt tiêm chủng tháng 4 đến nay, không ghi nhận phản ứng nặng sau tiêm ComBE Five.
Nếu chỉ sử dụng 1 loại vắc xin ComBE Five thì nguồn cung ứng không bảo đảm. Do đó, Bộ Y tế đã quyết định đưa vào sử dụng vắc xin SII do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất với thành phần, hiệu quả phòng bệnh tương đương Quinvaxem và ComBE Five. Việc sử dụng đồng thời 2 loại vắc xin ComBE Five và SII trong tiêm chủng mở rộng nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sử dụng, tránh tình trạng thiếu vắc xin, đặc biệt đối với vắc xin nhập khẩu cần nhiều thời gian để tiến hành các thủ tục mua và tuân thủ nghiêm ngặt việc kiểm định chất lượng.
* Vậy việc triển khai vắc xin SII có làm thay đổi phác đồ tiêm chủng của trẻ không?
- Vắc xin SII là vắc xin phối hợp chứa giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, giải độc tố vi khuẩn uốn ván, vi khuẩn ho gà bất hoạt toàn tế bào, kháng nguyên vi rút viêm gan B và kháng nguyên vi khuẩn Hib. Cũng như ComBE Five và Quinvaxem, vắc xin SII phòng 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ là bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib. Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ 3 mũi vắc xin: mũi 1 vào lúc đủ 2 tháng tuổi; mũi 2 vào lúc đủ 3 tháng tuổi; mũi 3 vào lúc đủ 4 tháng tuổi. Tôi khẳng định, việc sử dụng vắc xin SII hoàn toàn không làm thay đổi phác đồ hay lịch tiêm chủng của trẻ.
Cùng với ComBE Five, tháng 8.2019 sẽ triển khai vắc xin SII trong tiêm chủng mở rộng.
- Trong ảnh: Tiêm vắc xin ComBE Five cho trẻ tại Trạm y tế Nhơn Bình (TP Quy Nhơn).
Dù Bình Định triển khai đồng thời 2 vắc xin ComBE Five và SII ở tất cả địa phương, nhưng thời gian đầu, để dễ theo dõi, đánh giá, chúng tôi yêu cầu TTYT tuyến huyện kiểm kê lượng vắc xin ComBE Five còn tồn, điều phối hợp lý để tại một điểm tiêm chủng chỉ sử dụng 1 trong 2 loại vắc xin trên.
* Xin ông cho biết ngành Y tế tỉnh ta có những giải pháp nào để nâng cao mức độ đảm bảo an toàn cho trẻ trong tiêm chủng, nhất là khi triển khai vắc xin SII?
- Đến nay, khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh và 190 quốc gia, vùng lãnh thổ đưa vắc xin vào sử dụng phổ biến. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, tất cả các vắc xin sẵn có hiện nay đều được sử dụng rộng rãi trên thế giới với độ phủ trên 90%, dự kiến hàng năm chúng ta sẽ bảo vệ được thêm 2 - 3 triệu trẻ em không bị tử vong do những bệnh truyền nhiễm hoàn toàn phòng tránh được.
“Lợi ích bảo vệ sức khỏe cho trẻ từ tiêm chủng mang lại lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ các vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra khi tiêm chủng”.
Hiệu quả của vắc xin được chứng minh qua thực tế thanh toán, loại trừ và đẩy lùi nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: đậu mùa, bại liệt, bệnh tả, sởi, cúm, bạch hầu, ho gà, rubella, thủy đậu, quai bị, uốn ván… Lợi ích bảo vệ sức khỏe cho trẻ từ tiêm chủng mang lại lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ các vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra khi tiêm chủng. Vì vậy, cần phải tiếp tục tiêm chủng cho trẻ đạt tỷ lệ cao; đồng thời, bảo đảm thực hiện đúng quy trình tiêm chủng, đặc biệt trong khám sàng lọc, tư vấn, hướng dẫn người chăm sóc trẻ phát hiện, xử trí kịp thời phản ứng sau tiêm.
Để nâng cao mức độ đảm bảo an toàn cho trẻ trong tiêm chủng, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng đặc biệt chú trọng vấn đề an toàn. Sở đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, BVĐK tỉnh, TTYT tuyến huyện sâu sát, tập trung xử trí các ca phản ứng sau tiêm; tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn xử trí phản ứng sau tiêm, trang bị bình oxy cho tất cả trạm y tế.
MAI HOÀNG (Thực hiện)