Công tác bảo vệ môi trường tại các mỏ khai thác đá ở Tuy Phước: Cần được siết chặt!
Thời gian qua, hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là khai thác đá, trên địa bàn huyện Tuy Phước đã gây tác động tiêu cực tới môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân nhưng chưa được quan tâm khắc phục.
Theo Phòng TN&MT huyện Tuy Phước, toàn huyện có 17 điểm mỏ khoáng sản được cấp quyền khai thác, trong đó có 8 điểm mỏ khai thác cát và 9 điểm mỏ khai thác, chế biến đá xây dựng. Nhìn chung, các DN khai thác cát ở các điểm mỏ tuân thủ, chấp hành tương đối tốt các quy định trong hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên công tác bảo vệ môi trường tại các điểm mỏ khai thác, chế biến đá xây dựng chưa được các DN quan tâm, thậm chí bỏ lơ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống dân cư.
Nhà máy xay nghiền đá của Công ty TNHH Đầu tư BMT FICO phát sinh nhiều bụi bặm, gây ảnh hưởng tới khu dân cư thôn Phú Mỹ 2, xã Phước Lộc.
Cụ thể, các mỏ khai thác, chế biến đá xây dựng nằm dọc núi Sơn Triều qua địa phận 2 xã Phước Lộc và Phước An (Tuy Phước) được cấp quyền khai thác cho các công ty: TNHH Đầu tư BMT FICO, TNHH Xây dựng Thuận Đức, TNHH Xây dựng Yến Tùng… tuy có lắp đặt hệ thống phun nước tưới ẩm nhằm làm giảm bụi tại dây chuyền chế biến, xay nghiền đá nhưng hiệu quả không cao. Có công ty lại không bật hệ thống phun nước tưới ẩm, hoặc lắp đặt theo kiểu cho có, nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Hệ quả, bụi đá phát tán trên diện rộng, gây ô nhiễm nghiêm trọng các khu dân cư xung quanh nhà máy, nhất là vào mùa nắng nóng.
Ngoài bụi đá, tiếng ồn trong hoạt động xay nghiền, tiếng mìn nổ từ quá trình phá đá tại các điểm mỏ cũng tác động không nhỏ đến nhà cửa, đời sống sinh hoạt của người dân. Đó là chưa kể, khói than phát sinh từ nhà máy thuộc Xí nghiệp Than Quy Nhơn đóng tại thôn Phú Mỹ 1, xã Phước Lộc. Ngoài ra, hoạt động khai thác đá của Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite tại sườn phía Tây núi Hòn Chà thuộc xóm 4, thôn Cảnh An 1, xã Phước Thành cũng khiến 20 hộ dân sống dưới chân núi bất an vì bụi đá, tiếng ồn và nguy cơ sạt lở đất, đá mỗi khi có mưa.
Điều đáng nói, tại các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với đại biểu HĐND các cấp, ĐBQH tỉnh, người dân ở các địa phương đã phản ánh rất gay gắt vấn đề ô nhiễm môi trường do quá trình khai thác đá, song đến nay, việc kiểm tra, khắc phục chưa mang lại hiệu quả.
Ngày 3.7 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Nguyễn Đình Thuận đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các công ty khai thác đá và than gây ô nhiễm môi trường khẩn trương kiểm tra, bảo dưỡng các hệ thống xử lý bụi, khí thải trong quá trình sản xuất, tăng cường công tác tưới ẩm trên đường vận chuyển và trong khu vực sản xuất, bố trí hệ thống phun sương tại khu vực bãi chứa, đá, than và bãi thải, thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường đã được phê duyệt trong hồ sơ môi trường; nhưng thực tế, việc tuân thủ, khắc phục của các DN này rất hạn chế. Lượng bụi đá phát tán từ hoạt động khai thác, chế biến đá của các DN nói trên vẫn rất lớn. Chưa kể, khói, bụi thải, mùi dầu hắc phát sinh từ 2 trạm trộn nhựa đường do Công ty CP 504 cũng ở mức ô nhiễm báo động.
Để lập lại trật tự trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn, trong tháng 8 này, Phòng TN&MT huyện Tuy Phước tiếp tục tham mưu UBND huyện thành lập tổ công tác, tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường tại các DN. Qua kiểm tra, nếu phát hiện DN có sai phạm huyện sẽ xử lý theo quy định.
NHƠN HỘI