Trả lại của rơi: “đúng” rồi mới “tốt”
Nhặt lại của rơi trả cho người mất thường được kể lại như là tấm gương “người tốt việc tốt”. Song, bản chất sự việc đâu chỉ đơn thuần là vậy.
Ngày 13.5.2019, Tỉnh đoàn, Huyện đoàn Tuy Phước và Ban Giám hiệu Trường Tiểu học số 1 Phước Hiệp đã tổ chức khen thưởng 2 học sinh lớp 3 của trường vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt”. Trước đó, ngày 8.5, 2 học sinh này đã nhặt được túi nhỏ chứa 6,5 chỉ vàng dưới chân cầu thang ở trường và giao nộp lại. Số vàng này được trả lại cho một người dân địa phương.
Cũng trong thời gian này, một sự việc thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế xảy ra ở Thái Lan. Chris Dodd, 29 tuổi, bay tới Thái Lan du lịch vào đầu tháng 4.2019. Nhặt được một chiếc điện thoại trong máng nước ngoài sân bay Chiang Mai, du khách người Anh này cầm điện thoại tới nhà nghỉ cách sân bay khoảng 10 phút lái xe. Chris bị cảnh sát bắt ngay sau đó. Camera ở sân bay chỉ ra anh tới một địa điểm mới cùng chiếc điện thoại di động. Theo luật Thái Lan, việc cầm một vật nào đó không phải của mình đi từ nơi này tới nơi khác bị coi là hành vi trộm cắp, và hình phạt là bản án 3 - 5 năm tù, nộp phạt 6.000 - 10.000 baht (4,4 - 7,3 triệu đồng).
Theo luật sư Lê Hoài Sơn (Văn phòng Luật sư Trung Sơn, TP Quy Nhơn), Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, khi phát hiện tài sản của người khác bị bỏ quên hoặc đánh rơi thì người phát hiện phải thông báo để trả lại tài sản. Nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi thì phải thông báo cho chính quyền địa phương hoặc CA nơi gần nhất. Nếu người nhặt được không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hợp pháp thì tùy theo giá trị tài sản, người nhặt được có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự (theo Điều 176, Bộ luật Hình sự 2015).
Trong một xã hội thượng tôn pháp luật, để trở thành một người có văn hóa, có đạo đức, trước hết phải là công dân tốt.
NGUYỄN VĂN TRANG