Ý thức và trách nhiệm
Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện các vụ tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt, gây thương vong nghiêm trọng. Nhìn thẳng vào sự thật, nói một cách công tâm, tình trạng giao thông hỗn loạn, tai nạn giao thông ở Việt Nam luôn phức tạp, chứng tỏ dân đức và dân trí của phần đông người Việt còn nhiều yếu kém. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng nhếch nhác, yếu kém, phương tiện thì lạc hậu.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong tháng 7.2019, tình hình tai nạn giao thông đường sắt diễn biến phức tạp, tăng về số vụ, tăng về số người chết so với tháng 7.2018 (tai nạn đường sắt làm 20 người chết). Đáng chú ý, ngày 31.7, đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng giữa tàu SE27 và ô tô khách tại đường ngang biển báo Km 1465+810, thuộc địa phận xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, làm 3 người chết và 1 người bị thương.
Có thể thấy rằng, ý thức kém của người tham gia giao thông là nguyên nhân chính gây ra tai nạn đường sắt. Nhiều người không chỉ liều mạng băng qua đường ray; mua bán, kinh doanh thậm chí còn chụp ảnh “tự sướng” ngay trên đường sắt. Ngoài nguyên nhân ý thức còn có nguyên nhân hạ tầng cơ sở. Chúng ta biết hiện nay ở Việt Nam đều là đường sắt một chiều, chưa có hệ thống đường sắt hai chiều, đi riêng về riêng như các nước khác. Thực trạng đường ngang dân sinh qua đường tàu có mặt ở hầu hết các tỉnh thành và đây là vấn nạn chưa có biện pháp hạn chế. Quan sát kỹ sẽ thấy, hàng rào bảo vệ chỉ là những rào chắn bằng sắt thép cũ kỹ; trong khi đó, chuông báo động thì chỗ có chỗ không.
Để hạn chế những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, thiết nghĩ các cơ quan, ban ngành cần tập trung xử lý vi phạm hành vi mở đường ngang dân sinh trái phép; dựng lều quán, mái che, xây bục bệ, đắp vuốt làm lối đi qua đường sắt. Đối với cơ quan quản lý, cần lắp đặt biển hiệu trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường sắt. Xóa đi sự kém cỏi về văn hóa giao thông, xóa đi thói vô cảm khi tham gia giao thông, tức là nâng tầm văn hóa giao thông cho mọi người để thiết lập kỷ cương giao thông được xem là yêu cầu, nhiệm vụ bức thiết.
Và để đạt được những mục tiêu này, không còn giải pháp nào tốt hơn đó là việc nâng cao ý thức của người tham gia giao thông và trách nhiệm của cơ quan quản lý. Ý thức khi tham gia giao thông, mỗi người phải thấy rằng, cùng đồng hành với mình, còn có nhiều người khác và họ cũng cần được đảm bảo an toàn khi đi đường. Hiểu biết và tuân thủ Luật Giao thông, đi lại sao cho đúng luật. Đối với cơ quan quản lý, cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo an toàn khu vực đường ray, tàu và các thiết bị cảnh báo. Đồng thời, cần ban hành các quy định, chế tài phù hợp, đủ sức răn đe với những người vi phạm. Không chỉ vậy, cần tập trung sức và lực để cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày một tăng cao, chất lượng tốt.
Theo MINH HẢI (SGGP)