Thầy giáo già nặng lòng với văn hóa H’rê
Với dòng máu H’rê chảy trong người, thầy giáo Ðinh Văn Thành luôn đau đáu về văn hóa của quê hương bản xứ. Ông luôn cố gắng để có thể góp chút công sức của mình lưu giữ nét văn hóa cổ truyền người H’rê.
Thầy giáo Đinh Văn Thành cần mẫn ghi chép những tư liệu có được trong chuyến điền dã tại làng Kon Trú.
Tôi quen anh Đinh Văn Thành trong một lần cùng về Kon Trú (Vĩnh Kim, Vĩnh Thạnh) và cùng một mối quan tâm về văn hóa H’rê. Bắt được nhịp chuyện, anh xổ tung ra với tôi niềm đau đáu với văn hóa của dân tộc H’rê.
Trong chiến tranh, ông cùng nhiều bạn bè được đưa ra Bắc học tập. Năm 1962, tốt nghiệp khoa Văn tại Trường Sư phạm miền núi Trung ương Hà Nội, ông được phân công dạy cấp 2 ở nhiều tỉnh ngoài Bắc như Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Thái Nguyên. Đến năm 1970, ông tiếp tục về Hà Nội học ĐH Sư phạm Hà Nội 1. Tốt nghiệp đại học, ông về Hải Phòng dạy học đến năm 1975. Nước nhà thống nhất, ông về quê, công tác tại Ty Giáo dục Nghĩa Bình. Kể dài dòng như thế chỉ để khẳng định một điều, ròng rã suốt những năm tháng xa quê hương ấy, dù đi học hay đi dạy, ở đâu ông cũng tìm cách ghi chép lại những hiểu biết, những điều liên quan đến văn hóa H’rê mà ông nhặt nhạnh được. Cùng với đó, ông chịu khó làm giàu kiến thức nền, trình độ lý luận.
Thầy giáo Đinh Văn Thành sinh năm 1945, quê gốc tại An Trung, An Lão. Ông là hội viên Chi hội VHNT các Dân tộc thiểu số; hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian, Hội VHNT Bình Định.
Năm 1976, ông công tác tại Phòng GD&ĐT huyện Tây Sơn, ít năm sau, ông lại về Sở. Nhưng ở vị trí công tác nào, mối quan tâm đặc biệt của ông vẫn là những bản làng cách trở, những nơi xa xôi mà đồng bào còn nhiều thiếu thốn. Những ngày lưu lại Kon Trú, chứng kiến cảnh nhiều người già vui mừng, hồ hởi tìm đến hỏi thăm ông, nhắc lại chuyện năm cũ, tôi thầm hiểu vì sao bà con lại nhất mực trang trọng gọi ông là Thầy.
Nhà ở Quy Nhơn, nhưng ông Thành thường xuyên lên An Trung, An Lão thăm lại quê xưa, chuyện trò cùng bà con nơi đây. Ông Thành kể: Trước khi là Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Bình Định, từ năm 1986 đến 1992 mình là Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Lão. Đây là giai đoạn mình gom nhặt được nhiều tư liệu về văn hóa H’rê.
Nhờ làm việc cần mẫn, nghiêm túc, năm 2015, ông cộng tác với Nguyễn Xuân Nhân viết được tác phẩm Văn hóa cổ truyền của người H’rê ở huyện An Lão, tỉnh Bình Định (NXB Khoa học Xã hội, 2015). Nắm vững ngôn ngữ H’rê, ông là phiên dịch viên giúp Nguyễn Xuân Nhân đi sâu vào nghiên cứu văn hóa dân tộc này. Ông Đinh Văn Thành tâm sự: Tôi học được từ thầy Nguyễn Xuân Nhân rất nhiều. Trong tác phẩm Văn hóa cổ truyền của người H’rê ở An Lão, phần lớn việc phân tích, đánh giá là của thầy Nhân. Cùng với nhiều tư liệu điền dã có được trước đó, khi cùng thầy Nhân đi thực tế, tôi học được ở thầy nhiều điều thú vị, có ích cho công vệc bảo tồn văn hóa H’rê. Nhờ làm việc với một người vừa giàu tâm huyết, vừa giỏi nghề, sự hiểu biết của tôi cũng tăng lên.
Tham gia viết, tìm hiểu nhiều về văn hóa cổ truyền người H’rê, nhưng với thầy giáo Đinh Văn Thành, ông tâm huyết nhất vẫn là chữ viết của người H’rê. Sau nhiều năm giảng dạy, tiếp cận với văn hóa và tìm hiểu kỹ về cách phát âm của người H’rê, ông đã cùng TS. Tạ Văn Thông (Viện Ngôn ngữ học) đã trực tiếp biên soạn cuốn sách Và H’rê - Tiếng H’rê (2008). Đây là một trong những công trình thuộc đề tài “Xây dựng và hoàn chỉnh chữ viết, biên soạn sách phục vụ dạy và học tiếng BaNa Kriêm, H’rê, Chăm H’roi ở Bình Định”, do Sở KH&CN và Viện Ngôn ngữ học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) hợp tác thực hiện.
GS.TS Nguyễn Văn Lợi (Viện Ngôn ngữ học) nhận định: Tuy còn một số hạn chế nhất định nhưng không thể phủ nhận ý nghĩa và mặt tích cực của tư liệu khi góp phần khá quan trọng vào việc dạy và học tiếng H’rê, bước đầu định hình chữ viết riêng của đồng bào H’rê. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo điều kiện lưu giữ những nét văn hóa H’rê bằng chính chữ viết của đồng bào.
Nhiều lần đến thăm nhà, lần nào tôi cũng thấy thầy giáo Đinh Văn Thành cần mẫn ghi ghi chép chép, bổ sung, hệ thống lại mục từ trong chữ H’rê để phục vụ cho công việc giảng dạy. Những con chữ thon, đứng đẹp như đánh máy được người thầy giáo già chỉn chu chép trên cuốn sổ làm tài liệu lưu giữ. Nhìn quanh bàn làm việc của ông trên căn gác, tôi kịp nhìn thấy chồng bản thảo dày cộp. Hết thảy đều là những ghi chép, nghiên cứu về âm, từ, chữ viết của H’rê. Ông mong muốn có thể phổ biến chữ H’rê được rộng rãi hơn nữa để những người con H’rê có thể đĩnh đạc lưu giữ nét văn hóa của mình.
ĐỨC LINH