Một tư liệu quý về Lương Ðình Thực
Nhà xuất bản Đà Nẵng vừa cho ra mắt tập sách “Nhà yêu nước Lương Đình Thực trong cuộc khởi nghĩa 1916 do Trần Cao Vân và Thái Phiên lãnh đạo”. Tác giả tập sách là nhà nghiên cứu Đỗ Hùng Luân (Đà Nẵng) - cháu ngoại của nhà yêu nước Lương Đình Thực.
Nhà yêu nước Lương Đình Thực sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở làng Bãi Dương (nay là thôn Quý Thượng) xã Tam Phú, TP Tam Kỳ (Quảng Nam). Thân sinh của cụ là nhà chí sĩ Lương Văn Sớm - thành viên của Nghĩa hội Quảng Nam từ buổi đầu thành lập cho đến năm 1887.
Sau khi Nghĩa hội giải tán, chí sĩ Lương Văn Sớm đã “truyền lửa” cho con trai Lương Đình Thực. Nhờ vậy, ngay từ năm 1903, tại Nam Thạnh sơn trang của Tiểu La Nguyễn Thành, Lương Đình Thực đã gia nhập Duy Tân Hội. Đến năm 1915, nhà yêu nước Lương Đình Thực tiếp tục tham gia khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân. Đáng lưu ý, trong danh sách thành phần Tân Chính phủ (do vua Duy Tân làm Lãnh đạo tối cao; Trần Cao Vân làm Cố vấn; Nguyễn Sụy làm Thủ tướng...), trong số 7 Bộ, Lương Đình Thực là 1 trong 17 Chấp ủy viên của Bộ Cải tạo xã thôn... Tiếc rằng, đến tháng 5.1916, cuộc khởi nghĩa bị thất bại. Các lãnh tụ Thái Phiên, Trần Cao Vân hy sinh ở pháp trường An Hòa; còn Lương Đình Thực bị bắt tại nhà riêng...
Cụ Lương Đình Thực bị tạm giam một thời gian ở tỉnh đường Quảng Nam, sau đó bị đày biệt xứ vào nhà lao trong thành Bình Định. Đến ngày 15.12.1917, cụ Thực được đưa xuống tàu ở Cửa Giã (tức Cửa Thị Nại - Quy Nhơn) để đày đi Côn Đảo. Tuy nhiên, do bị bệnh nặng nên cụ đã trút hơi thở cuối cùng tại khu vực Cửa Giã. Nhận được tin báo, gia đình nhà yêu nước Lương Đình Thực đã lặn lội từ Tam Kỳ vào Quy Nhơn và an táng cụ tại khu vực Cửa Giã.
Điều đáng ghi nhận là để thực hiện cuốn sách này, Đỗ Hùng Luân đã phải mất khá nhiều thời gian, công sức tra cứu từ các nguồn sử liệu trong, ngoài nước và gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều đối tượng, trong đó có nhà nghiên cứu Đỗ Bang (Huế), Đỗ Quyên, Nguyễn Tấn Hiểu, Yến Lan (Bình Định)... Đồng thời, tác giả cùng với con, cháu của nhà yêu nước Lương Đình Thực còn nhiều lần vào An Nhơn, Quy Nhơn, tìm đến những nơi xưa kia từng lưu dấu tích nhà yêu nước.
Đặc biệt, tập sách đã được ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng ghi nhận, đánh giá: “Với cuốn sách này, tác giả Đỗ Hùng Luân - bằng tình cảm và lòng tự hào về ông ngoại mình - đã làm rõ thêm về cuộc đời và sự nghiệp của nhà yêu nước Lương Đình Thực... Đồng thời, người đọc càng thấy rõ hơn mối liên hệ giữa ba phong trào yêu nước ở xứ Quảng vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX: Nghĩa Hội Quảng Nam 1885, Duy Tân Hội năm 1903 và Khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân năm 1916”.
VIẾT HIỀN