Trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ nhưng vẫn cần thận trọng
Song song với sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là những rủi ro tiềm ẩn, các nhà đầu tư cần thận trọng.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2018-2019 khởi sắc và bứt phá ngoạn mục. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã phát hành được 89.000 tỷ đồng trái phiếu, tăng trưởng tới 34%.
Cần thận trọng khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: KT)
Nhìn nhận một cách khách quan, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp là tín hiệu tích cực trên thị trường vốn, điều này cho thấy, các doanh nghiệp đã chủ động hơn trong việc tiếp cận với nguồn vốn thay vì thông qua các trung gian tài chính và ngân hàng.
Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp còn làm giảm gánh nặng rủi ro lên hệ thống ngân hàng, vì bản chất ngân hàng chỉ huy động cho vay vốn ngắn hạn là chính.
Nhìn nhận ở chiều ngược lại, bên cạnh tốc độ tăng trưởng mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là những rủi ro tiềm ẩn.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, một trong những rủi ro dễ nhận thấy là sự mập mờ ràng buộc trong các hợp đồng mua trái phiếu của chủ đầu tư. Hợp đồng quá dài, nhiều điểm, nhiều phụ lục, khiến khách hàng dễ bị nhầm lẫn, nếu không rà soát kỹ sẽ không rõ đó là trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh, trái phiếu có tài sản bảo đảm hay là loại trái phiếu không có tài sản bảo đảm…
TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, mua trái phiếu cũng là một hình thức cho vay, mà cho vay như vậy là không có thế chấp, giống như việc giao dịch trong hệ thống ngân hàng. Đây là rủi ro lớn.
Một rủi ro nữa mà TS. Phong chỉ ra, nếu cả người vay lẫn người cho vay chưa chuẩn bị các phương án bán trái phiếu kỹ càng thì họ vẫn phải trả lãi suất trong khi chưa hoàn vốn. Điều này khiến người mua trái phiếu khó có khả năng thu hồi nợ, hay nói cách khác, khi doanh nghiệp vỡ nợ vì không trả được nợ trái phiếu theo đúng hạn thì sẽ khiến người mua bị bị thất thu. Còn về phía doanh nghiệp nếu bán trái phiếu không thành công, họ sẽ bị phá sản theo luật doanh nghiệp.
Ông Phong phán đoán, các hoạt động quản lý dòng tiền trên thị trường cũng có thể bị xáo trộn, đặc biệt là dòng tiền của ngân hàng sẽ bị giảm xuống. Như vậy, áp lực tăng lãi suất huy động của các ngân hàng có thể tăng lên, khiến lãi suất cho vay tăng theo. Điều này sẽ tạo áp lực lên chính sách tín dụng của NHNN cũng như hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng.
“Phía doanh nghiệp cần phải có phương án kỹ càng để huy động vốn và có thể trả được nợ, đặc biệt, cần cân nhắc bán trái phiếu đúng thời điểm. Nếu không bán được, doanh nghiệp sẽ bị vỡ kế hoạch kinh doanh… Doanh nghiệp phải đảm bảo chữ tín để giữ được ổn định giá trái phiếu trên thị trường. Nếu các thông tin kinh doanh bất lợi mà đưa ra thị trường thì có thể người mua sẽ bán tháo trái phiếu. Như vậy trái phiếu sẽ bị giảm giá và các hoạt động trả nợ có thể bị rủi ro. Với những lý do đó, các nhà đầu tư Việt Nam cần cẩn trọng khi tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Minh Phong khuyến cáo.
Theo Chung Thủy/VOV.VN