Hoài Nhơn phát huy giá trị các di tích
Huyện Hoài Nhơn đang triển khai Kế hoạch bảo vệ, trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, huyện còn cho thành lập Ðoàn nghệ thuật tuồng và Ðội bài chòi huyện Hoài Nhơn.
Nhiều năm trước, 17/17 xã, thị trấn của huyện Hoài Nhơn đã thành lập CLB bài chòi, thu hút được lớp trẻ tham gia. Nhờ các địa phương gầy dựng được đội hiệu luôn sẵn sàng biểu diễn nên huyện mạnh dạn tổ chức Liên hoan Hội đánh bài chòi cổ dân gian Hoài Nhơn tại Đền thờ Danh nhân văn hóa Đào Duy Từ, định kỳ 2 năm/lần. Càng về sau, Liên hoan lại càng thu hút sự quan tâm của người dân trong huyện. Nhiều thanh thiếu niên nhờ đó lại có dịp biết rõ hơn về di tích của quê hương mình, rõ hơn về danh nhân Đào Duy Từ - ông tổ của nghệ thuật bài chòi.
Di tích Đền thờ Đào Duy Từ, nơi diễn ra Liên hoan Hội đánh bài chòi cổ dân gian huyện Hoài Nhơn.
Ông Hồ Khắc Cầu, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Hoài Nhơn chia sẻ: Các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện là nguồn tư liệu sinh động, quý giá để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, gắn kết với phát triển du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử. Trong 5 năm qua, huyện đã lập hồ sơ đề nghị và được công nhận 2 di tích cấp tỉnh. Theo đó, hiện nay trên địa bàn huyện có 16 di tích lịch sử, văn hóa được Nhà nước công nhận, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia gồm di tích Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Duy Từ, di tích cuộc biểu tình năm 1931 Cây số 7 Tài Lương, di tích Đồi 10 và 13 di tích cấp tỉnh gồm: Di tích vụ thảm sát Ngã Ba Đình, di tích Mộ Cống quận công Trần Đức Hòa, Nhà lưu niệm chi bộ Cửu Lợi, di tích động Cườm văn hóa Sa Huỳnh... Bên cạnh đó, hiện nay huyện đang lập hồ sơ trình các cấp xếp hạng 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Đền thờ Danh nhân văn hóa Đào Duy Từ.
Sau nhiều năm vắng bóng các đoàn tuồng không chuyên, tháng 11.2018, Hoài Nhơn lại thành lập Đoàn nghệ thuật Tuồng của huyện. Ban đầu đoàn có 17 thành viên, là những diễn viên của những đoàn tuồng của huyện đã tan rã trước đó. Để Đoàn nghệ thuật Tuồng mới thành lập có điều kiện sinh hoạt, biểu diễn, huyện Hoài Nhơn hỗ trợ 39 triệu đồng để mua sắm một số thiết bị, đạo cụ cơ bản, đảm bảo có thể biểu diễn phục vụ nhân dân. Ông Hồ Khắc Cầu cho biết thêm: Hoài Nhơn là huyện phát triển mạnh kinh tế biển, có đội tàu cá lớn nhất tỉnh - hơn 2.300 chiếc. Ở 6 xã ven biển có rất nhiều lăng, vạn, do vậy đây những nơi đầu tiên mà Đoàn nghệ thuật Tuồng của huyện sẽ phục vụ người dân.
Biểu diễn ra mắt Đoàn nghệ thuật Tuồng huyện Hoài Nhơn.
Cùng thời gian đó, Đội Bài chòi huyện Hoài Nhơn được thành lập với 23 thành viên. Được sự quan tâm của huyện, các thành viên đều tâm huyết, say mê với phong trào nên hoạt động của đội tạo ấn tượng tốt trong lòng khán giả. Từ đầu năm đến nay, Đội tổ chức hô hát bài chòi cổ mừng Đảng, mừng xuân Kỷ Hợi 2019; tham gia giao lưu với hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh; tham gia biểu diễn tại huyện K’bang nhân Ngày hội văn hóa du lịch lần thứ 2 của huyện K’bang (Gia Lai)... Ngoài ra, các nghệ nhân trong Đội như Lý Thành Long, Nguyễn Văn Rạng... giúp các trường THCS ở Tam Quan Nam, thị trấn Tam Quan, Hoài Thanh Tây tập luyện xây dựng CLB bài chòi của trường.
Ông Trương Đề, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: Trong thời gian tu sửa, mở rộng di tích Đền thờ Đào Duy Từ, huyện hỗ trợ cho Đội Bài chòi, Đoàn nghệ thuật Tuồng của huyện để các nghệ nhân, diễn viên bước đầu làm quen việc biểu diễn phục vụ người dân. Sau khi công tác bảo tồn di tích hoàn thành và gắn với dịch vụ du lịch, đây sẽ là đội ngũ biểu diễn văn hóa truyền thống phục vụ du khách tham quan ở các điểm di tích có du khách, trước tiên là tại di tích Đền thờ Đào Duy Từ vì thuận lợi và giàu ý nghĩa.
THẢO KHUY