Cẩn trọng, chu đáo khi đưa đón học sinh
Từ sự việc không may của Trường phổ thông quốc tế liên cấp Gateway ở Hà Nội khiến 1 trẻ 6 tuổi tử vong, nhiều người, nhiều trường học đã tự rà soát lại hoạt động tương tự nơi mình. Tại Bình Ðịnh, nơi ở của học sinh thường không quá xa nơi học tập, vì thế không nhiều trường sử dụng xe đưa đón. Dù vậy, để không xảy ra hậu quả đáng tiếc, hoạt động này đang được tất cả các bên tầm soát, chấn chỉnh.
Hiện tại, Trường Hội nhập Quốc tế iSchool Quy Nhơn là đơn vị có nhiều xe đưa đón học sinh nhất. Anh Trần Đức Danh, cán bộ phụ trách hoạt động truyền thông của Trường iSchool Quy Nhơn, cho biết: Trường hiện có 11 xe đưa đón học sinh, trong đó 4 xe là tài sản của trường, 7 xe còn lại hoạt động theo hợp đồng trường ký với đối tác bên ngoài. Các xe, tài xế đều có đủ giấy tờ hợp lệ, bảo hiểm, giấy phép lái xe... Khi chuẩn bị ký hợp đồng, hiệu trưởng làm việc trực tiếp với tất cả tài xế, quán triệt việc phục vụ học sinh. Mỗi xe sẽ dùng đưa đón các em ở các bậc học khác nhau như: Tiểu học, THCS, THPT, riêng với xe tiểu học, ngoài bác tài xế, trường còn bố trí thêm 1 cô bảo mẫu. Để đảm bảo ATGT, xe chỉ trả các em có nhà bên đường phía tay phải, sau đó sẽ quay lại tiếp tục trả các em bên đường còn lại, hạn chế tối đa việc các em phải băng qua đường mới đi đến nhà.
Cô bảo mẫu Trường iSchool Quy Nhơn điểm danh học sinh trước khi xe chạy.
Sự cố ở Trường Gateway vừa qua là một lời cảnh báo mạnh mẽ cho tất cả phụ huynh cũng như các trường. Ngay khi sự việc vừa xảy ra, Ban giám hiệu Trường iShool Quy Nhơn lập tức triệu tập cuộc họp khẩn với toàn bộ bảo mẫu, tài xế xe đưa đón để rút kinh nghiệm. Theo đó, hiệu trưởng chỉ đạo, cứ sau mỗi chuyến đưa - đón học sinh, các tài xế phải mở hết tất cả cửa xe, kiểm tra thật kỹ lần nữa. Đầu mỗi buổi sáng, giáo viên chủ nhiệm thấy có học sinh vắng dù không phép hoặc có phép cũng đều phải báo cáo để Ban giám hiệu nắm tình hình. Đồng thời ở mỗi lớp đều có 1 nhóm sử dụng ứng dụng Viber, thành viên của nhóm gồm ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và phụ huynh; thông tin mỗi học sinh vắng sẽ được nhắn ngay khi cô giáo điểm danh lớp, đó là kênh tương tác với phụ huynh nhanh nhất.
Đồng thời, trong chương trình giáo dục mầm non mới, các trường thường đưa trẻ đi dã ngoại để trải nghiệm cũng thuê xe đưa đón trẻ. Theo một số hiệu trưởng trường mầm non, trước khi tổ chức dã ngoại, nhà trường lên kế hoạch, thông báo đến phụ huynh. Sau khi chọn được nhà xe uy tín, các cô phụ trách từng nhóm sẽ đưa trẻ lên xe và đưa xuống, trong suốt thời gian sinh hoạt ngoại khóa, các cô phải luôn nắm danh sách các bé, thường xuyên điểm danh để có thể phát hiện sớm nhất các bất thường.
Bác tài Trần Hùng Kiệt (Trường iSchool Quy Nhơn) trò chuyện với học sinh khi đưa đón các em.
Không chỉ ở TP Quy Nhơn, một số nơi của huyện Phù Mỹ cũng có xe đưa đón học sinh. Tuy nhiên, tất cả những chuyến xe do phụ huynh tự hợp đồng với DN xe tư nhân chứ không phải xe của trường bố trí. Điều này khiến khó quản lý được chất lượng xe cũng như tài xế. Ông Trần Quang Long, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Thọ, cho biết: Vào năm học, phụ huynh thường hợp đồng xe để đưa đón học sinh, tuy nhiên vì đây không phải chương trình của trường nên nhà trường không thể kiểm soát được chất lượng xe, tài xế. Do vậy, ở buổi họp phụ huynh đầu năm, nhà trường cũng khuyên phụ huynh tìm hiểu thật kỹ trước khi hợp đồng và nhắc nhở các em học sinh thật cẩn thận khi lên xuống xe.
Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn cho biết: Đầu năm học, Sở sẽ có văn bản hướng dẫn toàn bộ các trường THPT, các phòng GD&ĐT nhắc nhở các trường có tổ chức đưa đón học sinh thực hiện an toàn khi đưa đón nhằm tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Chiều 7.8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo đối với Bộ CA, Bộ GD&ÐT sau vụ cháu bé 6 tuổi tử vong trên ô tô đưa đón của Trường phổ thông quốc tế liên cấp Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) vào ngày 6.8.
Cũng ngày 7.8, Ủy ban ATGT quốc gia và Tổng cục Ðường bộ Việt Nam cùng có công văn về việc ngăn ngừa những vụ việc tương tự có thể xảy ra, đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học bằng dịch vụ đưa đón bằng xe ô tô do nhà trường tổ chức.
Theo đó, Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị Bộ GD&ÐT yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục (từ bậc mầm non đến THPT) các tỉnh, thành phố trong cả nước có tổ chức đưa đón học sinh đến trường bằng xe ô tô phải lựa chọn các đơn vị kinh doanh vận tải có đủ điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định pháp luật.
Tổng cục Ðường bộ Việt Nam cũng vừa có đề nghị các sở GTVT tăng cường công tác quản lý đối với xe hợp đồng đưa đón học sinh, sinh viên; tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng, đặc biệt là xe hợp đồng đưa đón học sinh, sinh viên. Tổng cục Ðường bộ Việt Nam đề nghị các sở GD&ÐT giám sát, quản lý chặt chẽ đối với hoạt động đưa đón học sinh, sinh viên của đơn vị mình; chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với các đơn vị kinh doanh vận tải đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định.
Ngày 9.8, 3 ngày sau khi xảy ra vụ việc học sinh 6 tuổi tử vong trên xe đưa đón của Trường Gateway, Bộ GTVT trình Thủ tướng Dự thảo lần thứ 10 Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó bổ sung điều kiện về kiểm soát xe để tránh bỏ quên hành khách trên xe.
THẢO KHUY