Giữ rừng ngập mặn
Đến nay, tổng diện tích rừng ngập mặn trong tỉnh là 86,61 ha, tập trung tại vùng đầm Thị Nại (TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước) và vùng đầm Đề Gi (huyện Phù Cát, Phù Mỹ), riêng tại Khu sinh thái Cồn Chim ở thôn Vinh Quang, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) từ năm 2017 đến nay, có gần 15 ha rừng ngập mặn được trồng mới tại vùng đầm Thị Nại, Đề Gi.
Rừng ngập mặn ở thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) được bảo vệ nay đã lên xanh.
Ông Trương Xuân Đưa, Trưởng trạm Nghiên cứu ứng dụng Kỹ thuật Nông nghiệp (Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Sở NN&PTNT), cho biết: “Trước đây, việc trồng rừng ngập mặn chỉ triển khai tại Khu sinh thái Cồn Chim, nay đã mở rộng thêm trên các bãi triều ven đầm Thị Nại, Đề Gi theo quy hoạch trồng rừng được tỉnh phê duyệt. Nhà nước trồng, chăm sóc cây trong 5 năm đầu tiên, khi thành rừng sẽ giao khoán cho người dân ven đầm Thị Nại, Đề Gi bảo vệ với mức khoán 200 nghìn đồng/ha/hộ/năm”.
Khi nhận thấy lợi ích từ việc phục hồi rừng ngập mặn, nhiều hộ dân sinh sống ven đầm Thị Nại, Đề Gi đã chung tay bảo vệ rừng ngập mặn. Ông Dương Văn Tường, ở thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), bộc bạch: “Trước đây, người dân chưa nhận thức được lợi ích từ rừng ngập mặn nên khi cây còn nhỏ, họ hay phá bỏ để dễ khai thác thủy sản. Bây giờ thì khác rồi. Riêng tôi sau khi tham gia trồng đã nhận khoán bảo vệ 3 ha rừng, đến nay cây đã cao tới 2 - 3 m”.
Bà Nguyễn Thị Thảo, ở cùng địa phương, cũng tâm tình: “Nhờ rừng ngập mặn phát triển nên cá, tôm trú ngụ nhiều, những người làm nghề đào phễnh như tôi hay làm nghề khai thác thủy sản có thu nhập thường xuyên. Giữ rừng ngập mặn cũng là giữ nơi mưu sinh của mình nên bà con cùng khai thác thủy sản cùng giữ rừng”.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp, rừng ngập mặn chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố tác động, như: Thủy triều, nhiệt độ, thủy văn… qua mức độ ngập nước và độ mặn thích hợp 15 - 25‰. Rừng ngập mặn có vai trò chống xâm thực của thủy triều, chống biến đổi khí hậu, là nơi trú ngụ của nhiều loài động thực vật.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thành, Trưởng phòng Nghiên cứu xã hội (Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh), phân tích: “Rừng ngập mặn ở Bình Định chủ yếu tập trung tại vùng đầm Thị Nại, Đề Gi. Tuy nhiên, tại những vùng này do độ mặn, nhiệt độ, thể nền (bùn sét, cát bùn) không phù hợp nên công tác trồng rừng gặp khó khăn, để rừng phát triển được là cả một nỗ lực, bởi vậy tỉnh ta rất quan tâm công tác bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn. Nhờ đó, vài năm trở lại đây diện tích rừng ngập mặn của tỉnh được phục hồi và phát triển tạo cảnh quan sinh thái du lịch, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân. Tuy nhiên, trước quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, không tránh khỏi việc ảnh hưởng đến diện tích rừng ngập mặn, vì vậy cũng cần nhìn nhận vấn đề này để tính toán hợp lý”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN