“Cứu cánh”, “vị tha”
Trong ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày, thậm chí trên báo chí, không ít người dùng sai từ cứu cánh với nghĩa như giải cứu, cách giải cứu tốt nhất... Chẳng hạn như trong các cách dùng “anh ấy là cứu cánh của cuộc đời tôi”, “phá cánh cửa để thoát ra ngoài là cứu cánh duy nhất vào lúc này”...
Thật ra, cứu cánh chẳng liên quan gì đến giải cứu, cứu thoát cả. Đây là một từ gốc Hán. Trong đó, cứu (bộ huyệt) có nghĩa “cuối cùng, tận cùng”. Cánh (bộ âm) đồng nghĩa với cứu, nghĩa là “cuối cùng, trọn, suốt”, như trong cánh nhật (trọn ngày), cánh dạ (suốt đêm). Như vậy, cứu cánh là tổ hợp đẳng lập của hai yếu tố đồng nghĩa, nghĩa có thể hiểu là “cuối cùng” hoặc xa hơn là “mục đích cuối cùng”.
Vậy, từ đâu mà có sự nhầm lẫn này? Là bởi hiện tượng đồng âm giữa cứu (1) trong cứu cánh và cứu (2) trong giải cứu. Cứu (2) cũng là một từ gốc Hán, thuộc bộ phốc, có nghĩa “giúp cho thoát khỏi tình cảnh trắc trở hoặc hiểm nghèo”. Như đã biết, trong tiếng Việt, có 3 yếu tố cứu gốc Hán là cứu (1), cứu (2) và cứu (3) trong châm cứu, ngải cứu. So với cứu (1) và cứu (3) vốn ít phổ biến, cứu (2) có tần số sử dụng cao nhất, vừa được dùng độc lập vừa tham gia cấu tạo nhiều từ như cứu chữa, cứu độ, cứu giúp, cứu hỏa, cứu hộ, cứu nạn, cứu quốc, cứu rỗi, cứu sinh, cứu tế, cứu thế, cứu thương, cứu tinh, cứu trợ, cứu vãn, cứu viện, cứu vớt, cấp cứu, giải cứu... Vì thế, việc nhầm lẫn giữa cứu (1) và cứu (2) dẫn đến nhầm lẫn giữa cứu cánh và cứu rỗi là chuyện khá bình thường.
Tương tự, không ít người nhầm vị tha cũng giống như tha thứ vì nghĩ rằng yếu tố tha trong hai từ trên là một. Thật ra, chúng chỉ là những yếu tố đồng âm mà thôi. Trong tha thứ, tha và thứ là hai từ đồng nghĩa, nên mới có các tổ hợp tương đương tha cho, thứ cho. Còn trong vị tha, vị nghĩa là “vì”, tha nghĩa là “khác” (như trong tha nhân: người khác; tha phương cầu thực: kiếm ăn ở nơi khác). Vị tha có thể hiểu là “vì người khác”, đối lập với vị kỷ là “vì chính bản thân mình”.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ