Phát hiện loài thằn lằn “siêu nhỏ” mới ở Việt Nam
Loài thằn lằn mới có kích cỡ rất nhỏ, sống chui luồn dưới lớp thảm mục trong rừng thường xanh ở độ cao hơn 1000 m so với mực nước biển, thuộc cao nguyên Kon Tum.
TS Nguyễn Quảng Trường - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết loài thằn lằn mới được phát hiện trong chuyến khảo sát về đa dạng sinh học gần đây của tổ chức Wildlife at Risk ở khu vực Ba Tơ, Quảng Ngãi.
Qua phân tích và so sánh về đặc điểm hình thái, các nhà khoa học Việt Nam, Mỹ và Đức đã phát hiện đây là một loài bò sát mới cho khoa học. Loài mới có tên là thằn lằn phê-nô shea Sphenomorphus sheai Nguyen, Nguyen, Van Devender, Bonkowski & Ziegler, 2013.
Theo các nhà khoa học, đặc điểm nổi bật để nhận dạng loài thằn lằn này gồm: Kích cỡ rất nhỏ (chiều dài đầu và thân khoảng 35 mm), đuôi mập (khoảng 59 mm), không có lỗ tai ngoài, mí mắt dưới dạng vảy, có 20 hàng vảy quanh giữa thân.
Loài này chỉ có 6 bản mỏng dưới ngón chân thứ tư, trên đầu, lưng và gốc đuôi màu nâu đồng, óng ánh, với những đốm đen nhỏ, dọc theo bên đầu và sườn có một sọc đen nhỏ chạy từ sau mắt đến gốc đuôi, sườn có nhiều đốm đen sẫm màu, bụng màu kem.
Đây cũng là loài thằn lằn phê-nô mới thứ 2 được công bố gần đây ở Việt Nam sau loài thằn lằn phê-nô Bắc Bộ Sphenomorphus tonkinensis được phát hiện ở miền Nam Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam vào năm 2011, các nhà khoa học cho biết.
. Theo Chánh Trung (NLĐ)