Hải quan Khánh Hòa, Bình Định nỗ lực cải cách, thực hiện tốt thu ngân sách
Với kết quả thu ngân sách tăng đột biến từ đầu năm đến nay, hai cục Hải quan Khánh Hòa và Bình Định lần thứ hai được Tổng cục Hải quan giao thêm bổ sung chỉ tiêu thu ngân sách.
Ông Trần Hải Sơn, Cục trưởng Cục Hải quan Khánh Hòa. Ảnh: VGP/Huy Thắng
Năm 2019, Cục Hải quan Khánh Hòa được Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) 1.140 tỷ đồng chỉ tiêu ngành Hải quan giao phấn đấu là 3.000 tỷ đồng, tuy nhiên, lũy kế số thu NSNN đến ngày 9.8.2019 của đơn vị là 2.831,25 tỷ đồng, đạt 248,36% (2.831,25 tỷ đồng/1.140 tỷ đồng) đã vượt gấp đôi chỉ tiêu kế hoạch giao và đạt 94,38% (2.831,25 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng).
Cục trưởng Cục Hải quan Khánh Hòa Trần Hải Sơn cho biết, ngay từ đầu năm 2019, đơn vị đã tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về cải cách hành chính, thể chế; kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng công chức hải quan; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; đối thoại với doanh nghiệp. Tiếp tục áp dụng các phương pháp quản lý hải quan hiện đại và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh.
Cục Hải quan Khánh Hòa đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) lớn; tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp XNK trên địa bàn. Tổ tư vấn cấp Cục và các Chi cục đã tiếp nhận, hướng dẫn và giải đáp 143 vướng mắc của các doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, tổng số doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan tại đơn vị là 200 doanh nghiệp, tăng 20 doanh nghiệp so với năm 2018.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Hải quan Khánh Hòa nguyên nhân khách quan đã tác động làm tăng thu là do từ cuối năm 2018 đến nay, trên địa bàn quản lý có gần 20 dự án điện gió, điện mặt trời triển khai đầu tư. Trong đó, các dự án điện mặt trời được đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành trước tháng 6.2019, vì vậy kim ngạch máy móc thiết bị nhập khẩu tăng và phát sinh số thu đột biến 1.206,26 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Định. Ảnh:VGP/Huy Thắng
Tại Bình Định, lãnh đạo Hải quan địa phương cho biết, tính đến ngày 11.8, số thu NSNN đạt hơn 986 tỷ đồng, bằng 138,8% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao dự toán thu (711 tỷ đồng), bằng 89,7% chỉ tiêu ngành Hải quan phấn đấu (1.100 tỷ đồng)
Theo ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Định cho hay: lý do khách quan đạt số thu cao do hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn có sự tăng trưởng đột biến.
Trong đó, chủ yếu do các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên nhập khẩu máy móc thiết bị đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời tăng đột biến đóng góp số thu lớn, chiếm 94,8% số thu của Chi cục Hải quan Phú Yên (516,71 tỷ đồng).
Về nguyên nhân chủ quan, ông Nguyễn Quốc Huy chia sẻ, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, đơn vị không ngừng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, đẩy mạnh hiện đại hóa hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực quản lý, giám sát quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, thu thuế điện tử và thông quan 24/7, triển khai hiệu quả hệ thống giám sát hải quan tự động tại cảng biển, qua đó giúp giảm thời gian, chi phí thông quan hàng hóa. Hải quan Bình Định đã tổ chức các cuộc hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, qua đó, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế...
Cơ quan Hải quan đẩy mạnh cải cách tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Ảnh:VGP/Huy Thắng
Trao đổi về vấn đề kiểm tra chuyên ngành, đại diện Hải quan Bình Định đánh giá: Tuy các bộ chưa cắt giảm được 50% các dòng hàng kiểm tra chuyên ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng nhưng đã có điều chỉnh tích cực, giảm các mặt hàng phải kiểm tra, bãi bỏ những quy định chồng chéo giúp giảm bớt thời gian thông quan, giải phóng cho hàng nhập khẩu.
“Việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại đơn vị, doanh nghiệp hầu như không gặp khó khăn gì”, ông Nguyễn Quốc Huy cho hay.
Bà Trương Thị Cẩm Vân, Phó Tổng Giám đốc, kiêm Kế toán trưởng Công ty Cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định cho hay: Việc kiểm tra chuyên ngành nhiều, hay tốn phí lưu kho bãi trước kia thì DN tính vào chi phí khiến giá thành sản phẩm tăng. Hiện nay, cơ quan hải quan phối hợp chặt chẽ, việc kiểm tra chuyên ngành diễn ra nhanh chóng thuận lợi hơn.
Về tình hình thu ngân sách đến cuối năm, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Định thừa nhận, tiến độ thu những tháng cuối năm sẽ chậm lại. Nguyên nhân chủ yếu là các dự án điện năng lượng mặt trời đã kết thúc hoạt động nhập khẩu máy móc thiết bị và chuyển sang sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, với khả năng nguồn thu hiện nay, tổng số thu ngân sách đến cuối năm 2019 của đơn vị dự kiến đạt 1.203 tỷ đồng, đạt 109,36% so với chỉ tiêu phấn đấu của Tổng cục Hải quan giao.
“Để đảm bảo tạo nguồn thu ngân sách bền vững, thì việc thu hút DN tham gia đầu tư, phát triển hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn là một nhiệm vụ rất được coi trọng. Cục Hải quan Bình Định cũng luôn chủ động phân tích đánh giá các yếu tố tác động đến nguồn thu, thu hút DN có dự án đầu tư mới trên địa bàn đến làm thủ tục hải quan, ngoài cải cách hành chính phải phát triển kho bãi, cũng như tính đến việc thúc đẩy tăng thu từ các mặt hàng tiêu dùng trọng điểm”, ông Nguyễn Quốc Huy nói.
Theo Huy Thắng (Chinhphu.vn)