ÐỂ DOANH NGHIỆP THỦY SẢN BÌNH ÐỊNH TẬN DỤNG CƠ HỘI TỪ EVFTA:
Phải biết tự nâng mình lên
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết vào cuối tháng 6.2019 đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho nền kinh tế, trong đó xuất khẩu thủy sản sẽ hưởng lợi không ít các ưu đãi của EVFTA. Dù vậy, EVFTA không chỉ tạo ra những cơ hội mà kèm theo đó cũng có nhiều thách thức, buộc các DN phải tự nâng mình lên.
Hoạt động chế biến tôm đông lạnh tại Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn.
EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam; ngay khi EVFTA có hiệu lực, sẽ có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0 - 22%, trong đó phần lớn ở mức cao từ 6 - 22% sẽ được giảm về 0%. Số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở từ 5,5 - 26% sẽ được đưa về mức 0% sau từ 3 đến 7 năm. Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn.
Những cơ hội khổng lồ
Xuất khẩu thủy sản là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Bình Định. Theo Sở Công Thương, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) ngành thủy sản Bình Định đạt 79,7 triệu USD, chiếm tỷ trọng gần 10% tổng KNXK toàn tỉnh (trong đó xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 33,3 triệu USD). Trong 7 tháng đầu năm 2019, KNXK thủy sản của tỉnh đạt 48,3 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 9,3% tổng KNXK toàn tỉnh.
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, nhìn nhận: “Để tận dụng được lợi thế từ EVFTA, trước hết các DN thủy sản Bình Định cần nắm và áp dụng linh hoạt, trung thực các quy định của EU; chủ động tìm hướng hợp tác với các đối tác nước ngoài, đổi mới công nghệ, tham gia vào dây chuyền cung ứng toàn cầu để tận dụng cơ hội từ EVFTA”.
Với gần 20 năm xuất khẩu sản phẩm cá ngừ đại dương sang thị trường EU, Công ty CP Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) luôn đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của EU. Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc BIDIFISCO, chia sẻ: “Rõ ràng EVFTA sẽ mang lại nhiều cơ hội cho DN khi xuất khẩu sản phẩm sang EU. Nhưng đừng quên rằng Ủy ban châu Âu (EC) đang giơ “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam và DN đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Vì “thẻ vàng” mà sản lượng xuất khẩu sang thị trường EU của chúng tôi bị giảm chỉ còn khoảng 40% so với trước đó. Để bù lại và nhằm giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào thị trường này, BIDIFISCO đã tìm kiếm cơ hội ở nhiều thị trường khác, như: Mỹ, Trung Đông… Trong 7 tháng đầu năm 2019, KNXK của DN đạt 41 triệu USD, tăng khoảng 8 - 9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 60% kế hoạch năm 2019”.
Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn bình quân mỗi năm xuất khẩu hơn 1.000 tấn tôm đông lạnh sang thị trường nhiều nước trên thế giới và EU. 7 tháng đầu năm 2019, KNXK của đơn vị đạt 2,4 triệu USD. “Hiệp định EVFAT mang lại nhiều ưu đãi cho DN xuất khẩu thủy sản về thuế suất. Tuy nhiên châu Âu là thị trường khó tính, rào cản kỹ thuật của thị trường này có rất nhiều đòi hỏi nghiêm ngặt. Vì vậy, để tận dụng cơ hội từ EVFTA, DN cũng phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, gia tăng sức cạnh tranh với các nước đang chia sẻ thị trường này mới có thể “tiêu hóa” được cơ hội mà EVFTA tạo ra. Nói cách khác, DN phải biết cách tự nâng mình lên!”, ông Mai Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty cho biết.
Chế biến sản phẩm cá ngừ đại dương xuất khẩu tại BIDIFISCO.
Phải đổi mới để tận dụng ưu đãi
Như đã nói, EVFTA không chỉ mở ra cơ hội mà còn đặt các DN xuất khẩu thủy sản trước nhiều thách thức, đơn cử như: Các quy định về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn về lao động và môi trường; kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, dán nhãn, môi trường; nguy cơ về biện pháp phòng vệ thương mại... Đó là chưa kể EU mở cửa thị trường cho Việt Nam thì Việt Nam cũng phải mở cửa cho EU, điều đó đồng nghĩa với việc các DN Việt Nam trong đó có tỉnh Bình Định sẽ phải gia tăng năng lực cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa. Đây thật sự là những thách thức không nhỏ bởi phần lớn các DN trong tỉnh đa số là DN vừa và nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp.
Bà Cao Thị Kim Lan kiến nghị: “Một trong những quy định quan trọng nhất của EU là truy xuất nguồn gốc, vì vậy Chính phủ và tỉnh phải có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, đồng thời phải thực hiện nghiêm túc để ngư dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, có vậy mới hy vọng gỡ được “thẻ vàng” thủy sản. Nếu cứ “giơ cao đánh khẽ” thì không chỉ DN thiệt hại mà cả nền kinh tế quốc gia sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng”.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN xuất khẩu thủy sản trong “sân chơi” EVFTA, Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng nhận định: Do EVFTA còn chờ Nghị viện châu Âu chuẩn thuận, chưa có hiệu lực nên Chính phủ và các bộ, ngành chưa có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện. Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh rà soát khung pháp lý các chính sách hỗ trợ DN phù hợp với những cam kết hội nhập của Hiệp định EVFTA. Đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu về EVFTA và các hiệp định FTA khác thông qua các hội nghị, hội thảo để phổ biến cho các DN nhằm hỗ trợ các DN của tỉnh nắm bắt tận dụng những cơ hội và điều kiện thuận lợi của EVFTA để nâng cao năng lực cạnh tranh, hạn chế những rủi ro và tác động của hiệp định này…
16 giờ ngày 30.6, tại Hà Nội, sau 9 năm đàm phán kéo dài, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã chính thức được ký kết. Ðây là hiệp định thương mại tham vọng nhất EU từng ký kết với một quốc gia đang phát triển.
Ðến nay, Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, nhưng EVFTA có nhiều khác biệt, có vai trò rất quan trọng với nền kinh tế Việt Nam. EVFTA yêu cầu mở cửa thị trường với gần như 100% dòng thuế sẽ được cắt giảm thuế quan trong vòng 7 năm. Ngay sau năm 2020, hơn 85% dòng thuế sẽ về 0 - chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Không chỉ cắt giảm thuế quan, đây là hiệp định rất toàn diện, trải rộng từ hàng hóa, đầu tư, mua sắm chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ... Do đó, EVFTA không chỉ tạo điều kiện để nâng cao kim ngạch hai chiều mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giúp chúng ta tham gia chuỗi giá trị mới. Tính toán sơ bộ cho thấy đến năm 2020, nếu thực hiện hiệp định, tăng trưởng xuất khẩu vào châu Âu sẽ đạt mức 20%. Năm 2025 và 2030 có thể tăng trưởng 80%, thúc đẩy tăng trưởng GDP mạnh mẽ.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN