Triển khai hệ thống quản lý chất lượng tại xã: Nhiều nơi còn “đủng đỉnh”
UBND tỉnh đang yêu cầu Sở KH&CN có giải pháp để đảm bảo đến cuối năm 2019 tỷ lệ xã, phường công bố hợp chuẩn hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 phải đạt từ 60% trở lên. Ðiều này nhằm giúp tỉnh nâng cao kết quả tự chấm Chỉ số cải cách hành chính trong năm 2019. Vậy nhưng, điều đáng sốt ruột là vẫn đang có nhiều nơi tỏ ra “đủng đỉnh”.
Lớp tập huấn xây dựng, triển khai ISO 9001:2015 tại 16 xã, phường của TP Quy Nhơn do Chuyên gia tư vấn Phạm Thanh Hiệp hướng dẫn.
Theo quyết định của UBND tỉnh, cùng với 12 UBND xã đã công bố hợp chuẩn trước đây, để đảm bảo tỷ lệ 60% kể trên, phải có thêm 91 UBND cấp xã, phường hoàn thành việc xây dựng, áp dụng và công bố hợp chuẩn ISO 9001:2015 vào cuối năm 2019. Theo đó, tỉnh đã phân bổ như sau: huyện Phù Cát có 12 xã, Phù Mỹ 13 xã, Hoài Ân 8 xã, Tuy Phước 9 xã, Tây Sơn 10 xã, Hoài Nhơn 12 xã, TX An Nhơn 11 xã, phường và TP Quy Nhơn 16 xã, phường.
Nhiều người dân ở TP Quy Nhơn đã bày tỏ vui mừng khi biết thông tin 16 xã, phường của thành phố sắp công bố Hệ thống ISO 9001:2015. Bà Lê Thị Năm ở xã Phước Mỹ cho biết: “Nghe nói Hệ thống này minh bạch các quy trình xử lý công việc nên người dân như chúng tôi sẽ được nhờ. Mong nó triển khai thật sớm ở xã tôi”.
Th.S Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, số xã, phường phải xây dựng ISO 9001:2015 được chia làm 2 nhóm: Nhóm 1 có 44 xã, phường, UBND tỉnh giao cho UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện; nhóm 2 có 31 xã, UBND tỉnh giao cho Sở KH&CN phụ trách. Ông Hà trao đổi: “31 xã bổ sung giao trực tiếp cho Sở KH&CN là nhằm đảm bảo tỷ lệ 60% vào cuối năm này. Dù khá gấp gáp nhưng nhóm 2 đã chọn được đơn vị tư vấn, dự kiến trong tháng 8 này Sở sẽ tổ chức tập huấn rồi triển khai làm. Riêng với số giao cho huyện, chúng tôi đã yêu cầu báo cáo để nắm tình hình thực hiện, nhưng đến nay vẫn chưa huyện nào trả lời”.
Kết quả khảo sát sơ bộ tại một số UBND xã cho thấy, không ít đơn vị đang tỏ ra “đủng đỉnh” với việc này vì những lý do như: Chưa tìm được đơn vị tư vấn phù hợp, ngại khó vì quy trình thực hiện ISO 9001:2015 khá phức tạp trong khi cán bộ, nhân viên bận nhiều việc, kinh phí ít; có cả những lý do chủ quan như lãnh đạo huyện, xã chưa thực sự quan tâm, rồi tâm lý muốn giải quyết công việc linh hoạt theo kinh nghiệm, không muốn phụ thuộc vào hệ thống chính xác, bài bản...
Trong khi đó, theo một số chuyên gia, quy trình triển khai công việc từ đầu đến cuối gồm có 5 giai đoạn. Trước hết là tìm hiểu các hoạt động cơ quan, khảo sát thực trạng đang ở mức độ thế nào so với yêu cầu tiêu chuẩn... để lập các kế hoạch chi tiết xây dựng hệ thống văn bản phù hợp với những quy định hiện hành. Tiếp đó là khâu xây dựng hệ thống văn bản quản lý chất lượng rồi đến khâu triển khai áp dụng, theo dõi, kiểm tra, khâu đánh giá nội bộ và cuối cùng là công bố Hệ thống phù hợp theo quy định.
Ông Phạm Thanh Hiệp, Chuyên gia tư vấn độc lập đến từ TP Đà Nẵng cho biết, toàn bộ quy trình như vậy triển khai nhanh nhất cũng phải mất hơn 3 tháng bởi cần có đủ thời gian cho khâu triển khai áp dụng (thường khoảng 1,5 tháng) để hệ thống bộc lộ rõ những điểm mạnh, yếu; theo đó, người tư vấn giúp đơn vị tháo gỡ, giải quyết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý”.
Theo nhiều chuyên gia tư vấn, từ nay đến cuối năm 2019 chỉ còn khoảng 4 tháng, vừa đủ thời gian để một số UBND xã tăng tốc, kịp hoàn thành công việc với điều kiện là tích cực đẩy mạnh ngay từ bây giờ. Th.S Nguyễn Hữu Hà cho biết, việc chưa nắm được tình hình cụ thể ở các huyện đang làm ông khá “hồi hộp” với nhiệm vụ tỉnh giao.
“Để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, thời gian tới, Sở sẽ giao Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức đoàn kiểm tra về địa phương xem các đơn vị đã làm tới đâu, vướng cái gì và kế hoạch ra sao để hoàn thành chỉ tiêu. Chi cục phải tích cực hỗ trợ họ về mặt chuyên môn nghiệp vụ và quản lý nhà nước, thấy gì vướng thì tham mưu với Sở cách tháo gỡ để đẩy nhanh việc thực hiện”, ông Hà trao đổi.
NGỌC TÚ