Thực hiện hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp: Ðừng mua dây buộc mình
Bình Ðịnh là 1 trong 4 trung tâm chế biến gỗ và lâm sản lớn ở nước ta. Tuy nhiên, các DN gỗ và lâm sản đang phải đối diện trước không ít khó khăn, thử thách, trong đó có những quy định về việc bảo đảm gỗ hợp pháp.
Các DN gỗ và lâm sản Bình Định sẽ nỗ lực thực hiện việc bảo đảm gỗ hợp pháp.
- Trong ảnh: Một góc phân xưởng chế biến gỗ của DNTN Gia Hân.
Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản (G&LS) tỉnh (FPA Bình Định), những năm gần đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn song hoạt động xuất khẩu của các DN trên địa bàn vẫn cơ bản giữ được ổn định và đạt được kết quả khả quan. Trong đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu của các DN ngành G&LS trên địa bàn chiếm khoảng 55% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Tính riêng 7 tháng đầu năm 2019, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 520 triệu USD, tăng 12,4% so cùng kỳ; trong đó kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt gần 270 triệu USD, chiếm tỷ trọng gần 52% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; tăng 6,9% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, các DN ngành chế biến G&LS trên địa bàn cũng đang phải đối diện trước không ít khó khăn. Theo đó, trong tháng 7.2019, giá trị kim ngạch xuất khẩu của sản phẩm gỗ toàn tỉnh giảm 5,6% so với cùng kỳ. Theo ông Lê Minh Thiện, việc sụt giảm trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có những khó khăn từ các rào cản thương mại, nhất là những quy định về việc bảo đảm gỗ hợp pháp theo tinh thần Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (VPA/FLEGT)…
Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), trên tinh thần VPA/FLEGT, Bộ NN&PTNT đã tham mưu Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. Mục đích của Nghị định là để thực thi các cam kết trong VPA/FLEGT nhằm bảo đảm cải thiện quản trị rừng, qua đó tất cả gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang EU và các thị trường khác đều được sản xuất và buôn bán hợp pháp; đồng thời góp phần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gỗ, sản phẩm gỗ trong quá trình khai thác, nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, mua bán, xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ...
Tại Hội thảo “Tham vấn góp ý dự thảo Nghị định quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam” tổ chức tại TP Quy Nhơn mới đây, khá nhiều DN gỗ và lâm sản đã thẳng thắn phát biểu, đóng góp những ý kiến xác đáng về nội dung của dự thảo.
Theo ông Phan Văn Phước, Giám đốc Công ty TNHH Tân Phước, trong quy định của dự thảo Nghị định có nhiều điểm bất cập, thiếu tính khả thi và không đúng với thực tế. Đặc biệt là tại các nội dung liên quan đến các vấn đề: Kiểm tra, truy xuất, xác nhận nguồn gỗ; nguyên tắc và điều kiện cấp giấy phép FLEGT; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép… Ông Phước cảnh báo: Hiện nay, trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh có khoảng 500 lô hàng gỗ và lâm sản lớn nhỏ với nhiều quy cách khác nhau phục vụ xuất khẩu. Nếu làm đúng theo quy định của dự thảo Nghị định, lực lượng kiểm lâm sẽ làm thế nào để có đủ người thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát. Đó là chưa nói đến trường hợp xảy ra sự cố cháy rừng, lúc đó ngành Kiểm lâm lo chữa cháy hay lo đi kiểm tra? Mà nếu không kiểm tra như quy định thì thiệt hại của DN ai chịu?
Ông Nguyễn Văn Thu, Giám đốc Công ty CP Chế biến gỗ nội thất PISICO, cho biết: Nhân chuyến công tác tại một số nước châu Âu, tôi rất bất ngờ khi các đối tác châu Âu cho biết họ không hề biết gì về VPA/FLEGT. Trước đây ta đã nỗ lực áp dụng để có Chứng nhận bảo vệ rừng FSC. Nên nhớ đây là chứng nhận được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích xã hội của các bên liên quan (nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương). Giờ lại thêm giấy phép FLEGT, liệu có phải là ta tự mua dây mà buộc chân tay mình không? Tôi đề nghị, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT nên tiếp thu ý kiến của các DN và xây dựng dự thảo Nghị định sao cho thực tế, khả thi.
Được biết, FPA Bình Định sẽ tổng hợp ý kiến của các DN, gửi đến các cơ quan chức năng để vừa góp phần thực hiện có hiệu quả Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp, vừa đảm bảo ổn định hoạt động xuất khẩu gỗ và lâm sản.
VIẾT HIỀN