An Lão - vui mùa sấu rừng
Với người dân vùng cao huyện An Lão, mỗi năm vào mùa hè là họ lại có thêm một “nghề” mới: nghề hái sấu rừng. Kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch, thứ quả dân dã này đang đem lại “đồng ra đồng vào” cho bà con nơi đây.
Ảnh: facebook An Lão Bình Định
Địa phương nhộn nhịp thu hoạch sấu rừng nhất huyện có lẽ là thôn 1, xã An Toàn. Sáng sáng, nhiều tốp thanh niên, phụ nữ tranh thủ cơm đùm, cơm nắm kéo nhau vào rừng hái sấu. “Mùa này, việc nương rẫy đã hoàn thành, sấu rừng đang độ già, chín, bà con dân làng ngược vào rừng tìm hái. Cây sấu cao chừng mấy chục mét, thân to, nên để hái được phải đi từng nhóm 3 - 4 người, người trèo lên cây hái, người ở dưới lượm”, anh Đinh Văn Cư, thôn 1, xã An Toàn, cho biết.
Theo người dân ở đây, mỗi kg sấu được thương lái thu mua với giá từ 6.000 - 8.000 đồng, người hái giỏi, nhặt nhanh mỗi ngày được trên dưới 50 kg sấu, bán được 300 - 400 nghìn đồng. Nhờ có những mùa sấu như thế này mà nhiều gia đình có “đồng ra đồng vào” chuẩn bị cho con cái quần áo, sách vở trước mùa tựu trường.
Tuy nhiên, việc hái “lộc rừng” này cũng lắm vất vả. Dậy đi từ sáng sớm, rồi nhọc nhằn leo núi, xuyên rừng, có khi đi cả ngày mới được một gùi sấu mang về. Muốn hái được nhiều sấu ngon thì phải tìm những cây sấu lâu năm, ở xa, cây cao, nhành nhỏ; nguy hiểm cận kề nên đòi hỏi người hái phải có kinh nghiệm, dày dặn về trèo cây. Ông Đinh Văn Trai, cũng ở thôn 1, xã An Toàn - người có kinh nghiệm trong việc hái sấu, chia sẻ: Sấu bây giờ không nhiều như những năm trước nên tìm hái cũng khó khăn hơn. Và “lộc rừng” này chỉ kéo dài được 2 đến 3 tháng là hết nên phải cố gắng đi hái, vì với người dân vùng cao chúng tôi đây là nguồn thu nhập chính trong những ngày nông nhàn”.
Được biết, sấu được thương lái mua về bán lại cho các gia đình dưới đồng bằng và các cơ sở chế biến sấu ngâm đường, ngâm mắm, xào gừng, nấu canh chua... Hơn nữa, loại quả này để được lâu, nhiều gia đình mua cả vài kg bỏ ngăn đá tủ lạnh dùng lâu ngày hoặc làm quà biếu.
DIỆP THỊ DIỆU