Thực trạng phát sinh chất thải nhựa trong y tế
Đến nay, Bộ Y tế chưa tiến hành điều tra, đánh giá tỉ lệ chất thải nhựa trong chất thải của ngành y tế và cũng chưa có số liệu thống kê cụ thể về lượng chất thải nhựa phát sinh của ngành hằng năm.
Thùng phân loại rác tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Ảnh: VGP
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, theo số liệu báo cáo năm 2017 của Sở Y tế và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, tổng lượng chất thải y tế nguy hại là 21.374 tấn năm, lượng chất thải y tế nguy hại được xử lý là 21.185 tấn/năm (chiếm 99,1%). Tổng lượng chất thải sinh hoạt phát sinh 116.058 tấn/năm, lượng chất thải sinh hoạt được xử lý là 114.219 tấn/năm (chiếm 98,4%).
Tuy nhiên, đến nay, Cục Quản lý môi trường y tế chưa tiến hành điều tra, đánh giá tỉ lệ chất thải nhựa trong chất thải của ngành y tế và chưa có số liệu thống kê cụ thể về lượng chất thải nhựa phát sinh của ngành hằng năm.
Theo báo cáo của một số cơ sở y tế được Cục Quản lý môi trường y tế lấy ý kiến như Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thì tỉ lệ nhựa trong chất thải y tế (không bao gồm chất thải sinh hoạt) tại các bệnh viện này dao động trong khoảng 10-45%, tỉ lệ nhựa trong chất thải sinh hoạt khoảng 12-17%.
Đặc biệt, trong ngành y tế, tính ưu việt của các sản phẩm nhựa dùng một lần như bơm kim tiêm dùng một lần, dụng cụ thiết bị dùng một lần trong phẫu thuật, xét nghiệm như găng tay vô trùng, chai, lọ, ống đựng bệnh phẩm... đã góp phần loại trừ, giảm thiểu nhiều nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo các hoạt động chuyên môn y tế được thực hiện theo quy định, đặc biệt những công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về vô trùng, an toàn, an ninh sinh học. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chủng loại và khối lượng chất thải nhựa trong y tế là đa dạng và phát sinh với khối lượng lớn.
Ngoài ra, do đặc thù trong ngành y tế, việc lưu trú, sinh hoạt của nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại cơ sở y tế cũng làm phát sinh lượng chất thải nhựa dùng một lần trong sinh hoạt rất lớn.
Theo ông Nguyễn Thanh Hà, việc thay đổi nhận thức, hình thành thói quen cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế phát sinh chất thải nhựa là một quá trình, tuy nhiên việc này hoàn toàn có thể thực hiện được.
Trước đó, ngày 25.4.2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có thư ngỏ kêu gọi toàn xã hội chung tay hành động chống rác thải nhựa. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị trong ngành hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nylon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại các cuộc họp, hội nghị… thay thế bằng các vận dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng. Đồng thời, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn giảm thiểu chất thải nhựa trong y tế.
Đồng thời, để phát động thực hiện Chỉ thị sâu rộng trong toàn ngành y tế, Bộ Y tế sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế tại đầu cầu Trung ương và 63 đầu cầu tại Hội trường giao ban trực tuyến của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào ngày 16.8. Đồng thời, tổ chức ký cam kết giữa lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Sở Y tế với các bệnh viện, đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa y tế.
Theo Thúy Hà (Chinhphu.vn)