ĐỀ NGHỊ CÔNG NHẬN HAI TƯỢNG HỘ PHÁP NHẠN SƠN LÀ BẢO VẬT QUỐC GIA:
Tôn vinh biểu tượng dung hợp văn hóa Chăm - Việt
Vừa qua, Hội đồng thẩm định hiện vật và hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia của Sở VH&TT đã thống nhất đề nghị chọn hai tượng hộ pháp (Dvarapala) ở chùa Nhạn Sơn, thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn để giới thiệu, đề nghị Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia.
Hai tượng này trong dân gian quen gọi là tượng Ông Đen, Ông Đỏ, là hai pho tượng đá đẹp, mỗi tượng nặng khoảng 800 kg, còn tương đối nguyên vẹn, thuộc nghệ thuật điêu khắc Champa, niên đại khoảng nửa sau thế kỷ XIII.
Ông Đen và Ông Đỏ.
Theo tín ngưỡng của Ấn Độ giáo, hộ pháp là những vị thần canh giữ đền tháp, bảo vệ đạo pháp. Theo lời kể của các vị cao niên trong vùng, không biết từ đời nào khi người Việt di dân vào đây, đã lập chùa và thờ hai pho tượng, và gọi là “Thạch Công Tự”. Qua nhiều đời, chùa được sửa sang nhiều lần, đưa thêm tượng Phật vào trong chùa để thờ tự, phù hợp với tín ngưỡng của cư dân Việt, chùa được đổi tên thành chùa Nhạn Sơn và giữ cho đến ngày nay.
Chùa Nhạn Sơn được nâng cấp năm 2006, các pho tượng Phật trong chùa cũng được tín đồ cúng dường, thay thế các pho tượng cũ. Tuy nhiên, hai pho tượng hộ pháp luôn được đặt đứng đăng đối hai bên của gian thờ chính trong ngôi chánh điện, dân gian quen gọi là Ông Đen và Ông Đỏ.
Hai tượng hộ pháp chùa Nhạn Sơn là hai tác phẩm nghệ thuật điêu khắc độc đáo đạt những tiêu chí về bảo vật quốc gia.
Về nghệ thuật tạo hình, các hộ pháp Nhạn Sơn vẫn thể hiện như ở những nơi khác như: Thân hình lực lưỡng, tư thế đứng dang hai chân, hơi khụy gối, người hơi ngả về phía trước, một tay đưa cong ra phía trước ngực, một tay cầm vũ khí; trên người đeo vắt chéo sợi dây hình rắn. Tuy nhiên, nếu so với các tượng trước đó, thì các hộ pháp Nhạn Sơn ít hung dữ hơn, thân hình cao lớn hơn.
Khi so sánh hộ pháp chùa Nhạn Sơn và hộ pháp Tháp Mẫm (phát hiện tại tháp Mẫm, TX An Nhơn, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng), về tổng thể có những nét tương đồng về phong cách, tuy nhiên so sánh cụ thể chi tiết về y phục và đồ trang sức có thể thấy hộ pháp Nhạn Sơn được trang trí đơn giản hơn nhiều.
Trong số các tượng hộ pháp Champa còn lại đến nay, hai tượng hộ pháp Nhạn Sơn có kích thước lớn nhất, mỗi tượng cao hơn 2,4 m, đồng thời mức độ nguyên vẹn cũng cao nhất. Tại Bình Định, ngoài các tượng hộ pháp Nhạn Sơn và Tháp Mẫm, các nhà khoa học còn phát hiện nhiều tượng hộ pháp ở An Nhơn, Tuy Phước… nhưng xét trên nhiều khía cạnh, hai tượng hộ pháp chùa Nhạn Sơn là lớn nhất, nguyên vẹn và đẹp nhất.
Một điểm độc đáo nữa là hai tượng hộ pháp Nhạn Sơn là sản phẩm của nền văn hóa Champa, nhưng lại được nối dài trong đời sống mang yếu tố văn hóa Việt. Có thể nói khi người Việt phết lên hai pho tượng lớp sơn của mình, họ đã phết thêm cho hai pho tượng một lớp văn hóa của người Việt. Tồn tại qua hàng trăm năm, hai pho tượng được Việt hóa, thánh hóa trong tín ngưỡng của cư dân Việt. Vì vậy cho đến nay, hai pho tượng vẫn được người dân tôn kính thờ cúng. Có thể nói, hai tượng hộ pháp Nhạn Sơn không chỉ mang giá trị đặc sắc trong nghệ thuật điêu khắc Champa mà còn mang những giá trị đặc biệt trong sự giao thoa, dung hợp tín ngưỡng giữa hai nền văn hóa Chăm - Việt.
HỒ THÙY TRANG