Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn
Khi làm hợp đồng vay vốn với một ngân hàng thương mại trên địa bàn, ông Trần Hiến (Tây Sơn) được mở miễn phí tài khoản cá nhân. Từ ngày có tài khoản cá nhân, ông được chỉ thêm cách thao tác thay đổi mật khẩu, nộp tiền, rút tiền với tài khoản thẻ ATM. Giờ, thay vì phải ra ngã tư thị trấn Phú Phong chờ nhận tiền hàng từ các chuyến xe khách ở Gia Lai xuống, ông Hiến chỉ việc gởi hàng, nhận tiền qua tài khoản; thông tin liên quan đến việc chuyển tiền - gởi tiền được báo qua tiện ích SMS Banking.
Nhiều người ở khu vực nông thôn Bình Định nay không còn xa lạ với việc sử dụng các tiện ích từ máy ATM của các ngân hàng. Thậm chí nhiều cửa hàng kinh doanh ở nông thôn cũng bắt đầu mở dịch vụ thanh toán qua máy POS. Ở xã An Hòa, một xã của huyện miền núi An Lão, đã xuất hiện dịch vụ thanh toán với MPOS, điều mà ngay cả nhiều nơi ở thành phố cũng chưa kịp áp dụng.
Sự thay đổi này phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. Chị Nguyễn Thị Hương (thôn Thanh Sơn, xã An Tân, huyện An Lão) chia sẻ rằng, với việc có tài khoản thẻ, gia đình chị thuận tiện hơn trong việc gởi tiền cho con đi học ở TP Hồ Chí Minh. Nay, con cái ra trường đi làm, có tiền, thi thoảng gởi về cho bố mẹ cũng tiện hơn nhờ thẻ ngân hàng. Đó là chưa kể đến các hoạt động mua bán, thanh toán khác.
Khi tiếp cận thị trường nông thôn, điều đầu tiên mà các ngân hàng muốn là ghi điểm trong mắt khách hàng. Về lâu dài, với việc kết hợp mở tài khoản ngân hàng miễn phí cho khách khi vay vốn tại chi nhánh, các ngân hàng muốn giúp khách hàng làm quen với việc giao dịch không dùng tiền mặt, lâu dần sẽ hình thành thói quen, tạo cơ sở để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở địa bàn nông thôn. Từ việc thay đổi thói quen “cầm tiền trong tay mới chắc chuyện” đến việc chấp nhận sử dụng tài khoản thẻ cá nhân, thanh toán các chi phí, dịch vụ qua tài khoản, thật sự là một bước thay đổi rất dài.
QUANG BẢO