Học giả Nga: Việt Nam có quan điểm rõ ràng về Biển Đông
Việt Nam có quan điểm, lập trường rõ ràng, ủng hộ giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông bằng biện pháp chính trị hòa bình, không sử dụng vũ lực.
Thời gian qua, việc tàu nghiên cứu Hải Dương 8 của Trung Quốc được hộ tống bởi tàu hải giám đã vào thăm dò khu vực Biển Đông, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của chuyên gia và học giả quốc tế, trong đó có học giả Nga.
Tạp chí “Thế giới đa cực” của Nga ngày 15.8 đăng tải bài viết của học giả Grigory Lokshin - Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga với tựa đề “Không bao giờ phản đối, nhưng không phải lúc nào cũng cùng nhau”, phân tích tình hình liên quan Biển Đông thời gian vừa qua.
Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam.
Theo bài phân tích này, vị trí hoạt động của tàu Trung Quốc nằm hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc 1982, chỉ cách thành phố Vũng Tàu 160 hải lý. Vị trí này cũng nằm ngoài biên giới của Trung Quốc chiếu theo bản đồ năm 1947 của nước này.
Trong khi đó, bản đồ “Đường chín đoạn” chiếm 90% diện tích Biển Đông thì không được quốc tế thừa nhận, bởi trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, Tòa Trọng tài Quốc tế tại The Hague đã đưa ra phán quyết. Theo đó, tất cả các yêu sách của Trung Quốc về “quyền lịch sử” tại Biển Đông được tuyên bố là không có cơ sở và trái với nghĩa vụ theo Công ước Liên Hợp Quốc năm 1982 mà Trung Quốc đã ký kết.
Theo học giả, Việt Nam có quan điểm, lập trường rõ ràng, ủng hộ giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông bằng biện pháp chính trị hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, sớm hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông mang tính ràng buộc pháp lý, được Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN hoàn toàn ủng hộ trong cuộc gặp tại Bangkok đầu tháng 8 vừa qua.
Đánh giá cao uy tín của Việt Nam trong ASEAN, học giả tin tưởng rằng, với việc trở thành Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Việt Nam có thể giúp củng cố sự thống nhất và nâng cao hơn nữa vai trò của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa các nước ở Biển Đông./.
Theo Anh Tú (VOV)