Khi bố mẹ ly hôn:
Hãy vì con nhiều hơn
Khi vợ chồng ly hôn, dù ít dù nhiều, những đứa con của họ đều bị thiệt thòi về vật chất lẫn tinh thần. Nhiều phụ nữ đã tìm cách cùng chồng cũ bù đắp cho con và phối hợp nuôi dưỡng, chăm sóc con trong điều kiện tốt nhất có thể.
Yêu con nhiều hơn
Mẹ con chị là hàng xóm của gia đình tôi gần 3 năm nay. Hằng, con gái chị trạc tuổi con gái tôi nên chúng thường qua lại chơi với nhau rất thân thiết. Có hôm tôi hỏi Hằng: “Ba con bây giờ sống ở đâu, có hay về thăm con không?”. “Trước đây, mẹ hay chở con sang nhà ba chơi. Nhưng lâu rồi, mẹ ít chở qua. Con nhớ ba lắm”, Hằng nói.
Tôi mang nỗi lòng của con bé nói chuyện với chị. Chị kể, vợ chồng đổ vỡ, lỗi là do cả hai bên. Họ đã giải quyết những mâu thuẫn bằng các hành vi khiến cả hai đều bị tổn thương lớn. Ngày tòa xử ly hôn, chị xin được toàn quyền nuôi con, anh đồng ý rồi xin đóng tiền cấp dưỡng nuôi con “một cục” ngay tại tòa. Tiền trao xong, anh xem như hoàn thành nghĩa vụ với con. Những ngày đầu thấy con nhớ ba, chị nhờ người thân bên gia đình anh tạo cơ hội để cho con gái về gặp ba. Sau này anh tái hôn, anh dành thời gian lo cho gia đình mới nên chẳng ngó gì đến con bé nữa.
Còn chị Lý, ở thị xã An Nhơn ly hôn đã hơn 6 năm. Chị được quyền nuôi con trai 5 tuổi và cũng tìm được người mới thương yêu mẹ con chị thật lòng, nhưng mãi không thể đi đến kết hôn. Ngày ly dị, chồng chị nhận thấy mình yếu thế trong việc giành quyền nuôi con nên đặt ra điều kiện bằng văn bản để gây khó là chị không được tái hôn nếu muốn nuôi con, còn không phải giao lại con cho chồng. Theo chị Lý, chồng cũ của chị rất thương con và chị tạo điều kiện để anh thăm con, nhưng chị thuyết phục thế nào, anh cũng không chịu bỏ qua điều khoản đã ký để chị vẫn được nuôi con khi tái hôn.
Trường hợp của chị Dung, ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn, khi ly hôn, tòa án quyết định chồng chị được quyền nuôi đứa con 7 tuổi vì chị không có việc làm ổn định, lại hay đau ốm. Mỗi ngày, chị đạp xe gần 10km đến thăm con, mua cho con ít bánh, kẹo con thích nhưng gia đình nhà chồng không cho phép. Chị đành lên trường, chờ đến giờ ra chơi để gặp con. Chẳng bao lâu, chồng chị dặn cô giáo không cho con gặp mẹ với nhiều lý do. Chị Dung kể: “Mỗi lần gặp con khó khăn lắm. Tôi hận chồng cũ và gia đình bên đó lắm nhưng không muốn con buồn nên phải nói dối đủ thứ khi con hỏi thăm. Tôi biết, con lớn rồi cũng hiểu được mọi chuyện nhưng miễn sao mình không gieo lòng oán hận vào con là được”.
Chớ để con trẻ thiệt thòi
Theo các chuyên gia tâm lý, sau ly hôn, bố hoặc mẹ đều phải cố gắng duy trì mọi thứ bình thường bằng cách giữ nếp sống đều đặn như bữa cơm, quy định cư xử, kỷ luật. Chỉ cần một trong hai người oán trách người kia trước mặt con sẽ khiến trẻ gặp khó khăn trong quan hệ với bố hoặc mẹ.
Chị hàng xóm của tôi thường xuyên cho con gái qua nhà tôi chơi với bạn. Chị còn cho con học thêm nhiều môn năng khiếu như thể dục nhịp điệu, đàn, để con đỡ nhớ ba. Mỗi khi con đòi gặp ba, chị đều nói anh đi công tác xa để tránh cho con bị cú sốc tinh thần, rồi từ từ con chị sẽ quen khi xa ba trong thời gian dài. Khi nào anh ổn định gia đình mới, chị sẽ nói chuyện để anh chủ động gặp gỡ hoặc đưa con đi chơi như trước đây.
Ly dị là một khủng hoảng gia đình, song nếu hai người cùng hợp tác với nhau thì cả hai có thể tiếp tục là cha mẹ tốt. Dù chị Tuyết, ở phường Thị Nại, TP Quy Nhơn ly hôn đã tròn năm nhưng rất nhiều người vẫn không biết vì thấy chồng chị vẫn đưa con đi học, dẫn con đi chơi quanh xóm. Hàng ngày, chồng chị lo việc đón con ở trường mẫu giáo về nhà, tắm rửa cho con, cho con ăn chờ chị đi làm tan ca về. Có hôm, anh phụ trách việc đưa đón con đi học thêm võ thuật, rồi đưa con đi chơi siêu thị, nhà sách và ở lại ngủ với con mỗi khi chị đi công tác. Cuối tuần, chồng đưa con gái về nhà nội chơi hai ngày rồi chở con về lại nhà chị. Mỗi khi con đau ốm, anh vẫn sát cánh bên chị chăm sóc, lo lắng cho con. Anh chị nói chuyện, bàn bạc việc dạy dỗ, quản lý con một cách vui vẻ, và đặc biệt cả hai không bao giờ cãi nhau hoặc nói xấu nhau trước mặt con.
Sự ổn định về nếp sống và kỷ cương trong gia đình là điều quan trọng. Đừng ngại ngần, trao đổi thẳng thắn với con để con biết trước mọi việc sẽ xảy ra. Đừng vì những hiềm khích cá nhân, sự ích kỷ của mình... mà có những ý nghĩ và hành động sai trái, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của con trẻ. Đó chính là tình yêu thương dành cho con mà những ông bố bà mẹ khi đã ly hôn có thể làm cho con.
HỒNG PHÚC