Dịch vụ cung ứng nghề biển: Ðáp ứng nhu cầu của ngư dân
Mấy năm gần đây, nghề biển ở tỉnh ta phát triển mạnh về năng lực đánh bắt xa bờ. Bên cạnh hoạt động cung cấp xăng dầu, đá lạnh, các dịch vụ khác, như: mua bán ngư lưới cụ, sửa chữa các thiết bị điện tử trên tàu… cũng phát triển kịp thời để đáp ứng nhu cầu của ngư dân.
Nhiều cơ sở sản xuất dây neo, dây tời ở trong tỉnh trang bị máy móc để nâng cao năng lực phục vụ.
Tại các cảng cá: Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan đã có nhiều dịch vụ cung ứng đầy đủ và chính xác các nhu cầu của ngư dân về nhiên liệu, ngư lưới cụ, thực phẩm, sửa chữa thiết bị để tàu ra khơi an toàn.
Dù giàm là ngư cụ được làm bằng vải để thay thế neo tàu, khi tàu ra khơi ở mực nước sâu dây neo không đủ đến đáy biển, ngư dân sẽ thả dù giàm để neo tàu vừa tiết kiệm dây và thời gian kéo neo di chuyển tàu. Ngoài ra, có nhiều tàu cá còn lắp thêm buồm để chạy tàu giúp tiết kiệm nhiên liệu. Tại cảng cá Tam Quan, nhiều cơ sở may dù giàm, buồm cũng phát triển theo xu thế để phục vụ nhu cầu của ngư dân.
Ngư dân Từ Minh Châu, ở xã Cát Tiến (huyện Phù Cát), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 93274 TS, cho biết: “Hầu hết các cơ sở mua bán ngư lưới cụ tại các cảng cá ở tỉnh ta phát triển rất tốt. Ngay cả khi mình cần mua một vài món lặt vặt như các loại bu lông, đinh vít, sơn… để sửa chữa nhỏ trên tàu, dù họ không bán các loại hàng này, họ cũng mua giúp luôn. Nói chung họ cung cấp đủ mọi thứ mình cần”.
Theo ông Mai Thanh Trường, chủ cơ sở mua bán ngư lưới cụ Bảy Hùng tại cảng cá Quy Nhơn, mỗi cơ sở kinh doanh ngư lưới cụ có cả trăm mặt hàng phục vụ phần vỏ, máy tàu, như: dây neo, dây tời, ru lô tời, đèn điện… và phần nghề, như: lưới, cần câu, cước, ni lông… Những mặt hàng chưa có tại chỗ, ngư dân chỉ cần báo trước là cơ sở nhập hàng về liền. Ngày trước, nhiều mặt hàng như dây neo, dây tời, lưới phải nhập từ TP Hồ Chí Minh về, nay các cơ sở ở Quy Nhơn tự sản xuất với chất lượng tương đương, giá cả lại hợp lý hơn.
Vai trò và sự can thiệp của các thiết bị điện tử trên tàu cá ngày càng nhiều như: máy dò cá, máy định vị, bộ đàm. Vì thế, dịch vụ sửa chữa các thiết bị này cũng đã phát triển mạnh ngay tại các cảng cá để kịp thời phục vụ ngư dân. Anh Lê Văn Tài, chủ cửa hàng thiết bị điện tử Hải Vân, ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), cho biết: “Tàu cá hoạt động thường xuyên trên biển nên dù đã được sản xuất theo hướng chống nước mặn thì các thiết bị điện tử trên tàu cũng nhanh hỏng. Do vậy, cứ mỗi mùa trăng, tàu thuyền cập cảng Tam Quan nhiều, nhu cầu sửa chữa các thiết bị tăng cao, chỗ của tôi có 3 thợ lành nghề mà làm không hết việc. Ngư dân về bờ chỉ khoảng 7 - 10 ngày nên mình làm việc hết công suất để họ còn kịp ra khơi”.
Cơ sở sửa chữa máy dò cá, máy bộ đàm, định vị… tại cảng cá Tam Quan.
Tương tự, ông Cao Duy Khanh, chủ cơ sở mua bán dây neo Tặng Phượng, ở thôn Thiện Chánh, xã Tam Quan Bắc, chia sẻ: “Năm 2012, tôi đầu tư hơn 300 triệu đồng mua dây chuyền sản xuất các loại dây neo, tời, dây dù giàm... Sản phẩm của chúng tôi được ngư dân trong tỉnh và cả nhiều tỉnh khác, như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thanh Hóa… tín nhiệm đặt mua”.
Theo bà Trương Thị Ngọc Thạch, chủ cơ sở may dù giàm, buồm Thạch cũng ở thôn Thiện Chánh, nghề may dù giàm, buồm được người dân ở xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn) học hỏi từ Quảng Bình. Sau đó, bà con tìm cách điều chỉnh và sản xuất sao cho phù hợp với thói quen lao động, sản xuất của ngư dân từng vùng, trước tiên là của ngư dân Bình Định. Nghề này nhanh chóng lan rộng ra các làng biển ở Hoài Nhơn. Riêng cơ sở chúng tôi, mỗi năm bán ra vài chục cái dù giàm, bộ buồm mới, còn lại chủ yếu là sửa chữa.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN