Cây dưa lưới ở Bình Tân
Gần đây một số hộ trồng dưa lưới tại các thôn Thuận Ninh, Phú Hưng, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn đã có thu nhập khá từ loại cây này.
Anh Trần Lộc Vũ hái dưa.
Anh Trần Lộc Vũ ở thôn Thuận Ninh, xã Bình Tân là người đã ký hợp đồng hỗ trợ trồng dưa và bao tiêu sản phẩm với Công ty Đầu tư và Phát triển An Hưng (TP Hồ Chí Minh). Theo hợp đồng, từ tháng 6.2019, anh Vũ trồng 11 sào dưa lưới. Sau 70 ngày sinh trưởng, nay ruộng dưa lưới của anh đến kỳ thu hoạch, năng suất bình quân đạt hơn 2 tấn/1 sào. Với giá dưa: 15.000 đồng/1 kg dưa loại 1 (1,2 đến 2,2 kg/1 quả), 7.500 đồng/1 kg dưa loại 2 (khoảng 1 kg/1 quả), 4.000 đến 5.000 đồng/1 kg dưa loại 3 (loại dưa nhỏ, bị sâu, nứt), cứ mỗi sào dưa anh Vũ lãi khoảng 20 triệu đồng.
Anh Trần Đình Hiệp, ở thôn Phú Hưng, xã Bình Tân, cho biết: “So với dưa hấu thì việc trồng dưa lưới nhọc công hơn. Tuy nhiên, do yêu cầu giảm lượng phân bón và thuốc trừ sâu bệnh, nên khoản chi phí này cũng thấp hơn khá nhiều so với cây dưa hấu. Khi ký hợp đồng xong, cán bộ kỹ thuật của Công ty sẽ hỗ trợ mình áp dụng quy trình KHKT vào sản xuất, giá mua dưa cũng đảm bảo để mình yên tâm sản xuất!”.
Sau thành công của những nông hộ trồng dưa lưới đầu tiên, cùng với những hộ cũ, nhiều nông hộ khác ở Bình Tân đã đăng ký tham gia trồng dưa với phương thức nêu trên. Anh Nguyễn Thanh Bình, cán bộ kỹ thuật của Công ty Đầu tư và Phát triển An Hưng, cho biết: “Giống dưa lưới sử dụng ở đây là giống dưa Taki của Nhật Bản. Khảo sát của chúng tôi cho thấy dưa Taki phù hợp với các chân đất ở xã Bình Tân và thôn An Chánh, xã Tây Bình. Vụ dưa vừa qua chúng tôi trồng thử nghiệm 2 ha, kết quả rất tốt. Các chỉ số cơ bản như: ngoại hình, sản lượng, độ đậm ngọt hoàn toàn không thua gì so với dưa sản xuất nhà màng hoặc một số vùng trọng điểm khác. Sắp tới, Công ty sẽ tìm cách mở rộng diện tích dưa lưới tại Tây Sơn lên khoảng 6,7 ha”.
ÁNH NGUYÊN