Xuất khẩu lao động ở huyện An Lão: Cơ hội đổi đời cho người dân
Vài năm gần đây, từ việc đi xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản, nhiều gia đình ở An Lão đã thoát nghèo, có điều kiện xây dựng cuộc sống sung túc. An Lão được đánh giá là “điểm sáng” về công tác này trong 3 huyện miền núi của tỉnh.
Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện An Lão đã có 104 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong đó, đứng đầu là thị trường Nhật Bản: 47 người, tiếp đến là Hàn Quốc: 29 người, Đài Loan: 12 người...
Nhờ 2 con gái đi XKLĐ tại Nhật Bản, hiện nay gia đình chị Lan đã thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống, trở thành hộ khá giả.
Khá lên từ xuất khẩu lao động
Cuối năm 2017, gia đình chị Nguyễn Thị Lan (ở thị trấn An Lão) có con gái đầu là Lê Thị Như Quỳnh sau khi học xong THPT đã quyết định đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Nhật Bản. Hàng tháng, trừ chi phí sinh hoạt, Quỳnh gửi về cho gia đình 20 triệu đồng nên chỉ sau chưa đầy một năm đã trả hết chi phí để đi XKLĐ. Đến năm 2019, từ tiền Quỳnh gửi về, gia đình đã sửa lại ngôi nhà xuống cấp và lo cho các em ăn học.
Đầu năm 2019, con gái thứ hai của chị Lan là Lê Thị Trà My cũng nối bước chị gái sang Nhật Bản lao động. Hiện nay, gia đình chị Lan đã thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Cũng giống như gia đình chị Lan, gia đình anh Trần Thanh Ly (ở xã An Tân) quanh năm gắn bó với mấy sào ruộng và đi làm phụ hồ. Năm 2018, gia đình anh Ly vay hơn 50 triệu đồng cùng với anh em họ hàng giúp đỡ để con gái đầu Trần Thị Thu Thủy sang Nhật Bản lao động. Trong vòng 1 năm rưỡi, Thủy đã gửi về cho gia đình gần 300 triệu đồng, trả hết tiền vay ngân hàng.
Cùng ở xã An Tân, anh Nguyễn Công Giang đi lao động ở Nhật Bản 3 năm. Về nước, anh Giang có trong tay 500 triệu đồng làm vốn để đầu tư kinh doanh, kinh tế gia đình ở mức khá giả.
Những ngôi nhà kiên cố ở thị trấn An Lão được xây lên từ nguồn thu nhập gửi về từ XKLĐ.
Tạo điều kiện cho vay
Theo ông Từ Xuân Mười, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão, huyện xác định XKLĐ là đòn bẩy trong giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhờ XKLĐ mà tỷ lệ hộ nghèo của huyện những năm gần đây giảm đáng kể. Nếu như năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 59,9% thì đến năm 2018 giảm còn 45%. Những năm gần đây, số lượng người đi XKLĐ hàng năm đều tăng, riêng 6 tháng đầu năm 2019, huyện có 29 lao động tham gia xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản, đạt 58% kế hoạch năm. Bình quân mỗi lao động gửi về gần 200 triệu đồng/năm.
“Nhiều gia đình có con em đi XKLĐ không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành những hộ khá giả ở địa phương, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo của huyện. Thời gian đến, dự kiến số lượng lao động đăng ký đi làm việc tại Nhật Bản ở An Lão sẽ tăng lên đáng kể”, ông Mười cho biết.
Hiện nay, theo chính sách hỗ trợ XKLĐ, đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được ưu tiên vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Ngân hàng CSXH, nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng. Trong khi đó, để được đi XKLĐ tại các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, người lao động phải đóng phí khoảng 100 - 120 triệu đồng. Trường hợp vay vốn 100% chi phí, người lao động phải có tài sản thế chấp. Đó là vấn đề nan giải đối với hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Về vấn đề này, ông Từ Xuân Mười cho biết, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã tham mưu UBND huyện, hằng năm trích nguồn từ Ngân hàng CSXH cho vay đảm bảo đủ 100% chi phí để đi XKLĐ và đã được UBND huyện đồng ý. Hiện các địa phương và đơn vị chức năng đang hướng dẫn để người lao động dần tiếp cận được nguồn vốn này. Bên cạnh đó, sắp tới, Phòng sẽ tham mưu UBND huyện có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động triển khai sớm kế hoạch XKLĐ ngay từ đầu năm để người lao động lựa chọn các nước tham gia, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao.
DIỆP THỊ DIỆU