Một gia đình 39 lần hiến máu tình nguyện
Có 39 lần hiến máu, gia đình ông Trần Văn Ðức (ở tổ 26, KV 5, phường Ðống Ða, TP Quy Nhơn) là một trong 4 gia đình trong tỉnh được Trung ương Hội CTÐ Việt Nam tặng Phù hiệu gia đình hiến máu mốc 30 lần và Bằng khen về thành tích hiến máu tình nguyện tại Ðêm Gala “Giọt hồng đất Võ” (tổ chức vào tháng 7.2019).
Ông Đức nhận Bằng khen của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam về thành tích hiến máu tình nguyện đạt mốc 30 lần của gia đình.
Bị teo chân bẩm sinh từ nhỏ, đi lại khó khăn nhưng ông Trần Văn Đức (63 tuổi) là một cán bộ CTĐ tận tình. Gần 15 năm ở vị trí Chủ tịch Hội CTĐ phường, mỗi năm, ông vận động cho công tác nhân đạo, từ thiện từ 400 đến 500 triệu đồng. Từ năm 2011 đến giữa năm 2019, tổng số lượng đơn vị máu mà Hội CTĐ phường Đống Đa vận động được là 435 đơn vị. Gia đình ông, gồm: con trai, con gái, con rể và người cháu gọi ông là bác thường xuyên tham gia hiến máu tình nguyện.
Ông Trần Văn Đức hiến máu lần đầu vào năm 2010. Sau đó, trong một lần đưa người bị TNGT vào bệnh viện, thấy bác sĩ kêu gọi hiến máu cho nạn nhân, ông lại xung phong cho máu. Các đợt hiến máu tình nguyện sau, do huyết áp và sức khỏe không đảm bảo, ông Đức không hiến máu nữa. Ông dồn tâm huyết cho công tác vận động. Trước hết là vận động con, cháu trong nhà. Con trai Trần Minh Nhân (30 tuổi) hiện đã có 11 lần hiến máu. Con gái Trần Thị Hoài Thương (28 tuổi) cũng đã có 6 lần hiến máu. Cháu trai Trần Duy Khương (32 tuổi) hiến máu được 7 lần. Con rể Nguyễn Hoàng Hảo (29 tuổi) cũng là một người nhiệt tâm với hiến máu tình nguyện và đã có 13 lần cho máu.
Anh Trần Minh Nhân kể: “Thật ra, tôi không phải là người hiến máu khỏe. Mỗi lần hiến máu xong, tôi đều mất thời gian để nghỉ ngơi, chờ hồi phục lâu hơn người khác. Nhưng, tôi muốn ủng hộ cha mình - người làm công tác vận động hiến máu tình nguyện - nên luôn cố gắng sắp xếp công việc, chuẩn bị sức khỏe tốt nhất mỗi lần tham gia hiến máu”.
Tạm dừng hiến máu trong 3 năm vì sinh con nhỏ, chị Trần Thị Hoài Thương cho biết năm 2019 sẽ tham gia hiến máu tình nguyện trở lại. Chị Thương bảo: “Ngày trước, tôi hay đi hiến máu theo lời kêu gọi của phường hoặc của trường mầm non mà mình đang công tác. Thời gian qua, tạm dừng hiến máu, tôi lại rất nhớ cảm giác thấy mình can đảm và có ích cho cộng đồng mỗi khi dòng máu được truyền từ cánh tay ra bên ngoài nên sẽ sớm hiến máu lại. Riêng chồng tôi thì luôn hào hứng mỗi khi được đi hiến máu tình nguyện. Anh làm hướng dẫn viên du lịch nên lịch trình, giờ giấc không ổn định. Có mấy lần, anh trách ba vợ vì không thông báo sớm lịch hiến máu của địa phương để anh cũng sắp xếp tham gia hiến máu tập trung”.
Dù đã về hưu vào giữa năm 2019, ông Đức vẫn khẳng định: Các thành viên gia đình vẫn tiếp tục hiến máu khi sức khỏe còn cho phép bởi đây là việc làm ý nghĩa, là cơ hội để được giúp đỡ nhiều người khác. Ông tâm sự: “Bao nhiêu năm làm công tác CTĐ, một trong những điều mà tôi tự hào là các con, cháu của mình biết nghĩ, biết đóng góp giọt máu để phục vụ điều trị, cứu sống nhiều người. Con trai, con gái, con rể của tôi đều hiến máu khi còn là sinh viên và thấm nhuần tinh thần “mỗi giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại””.
NGUYỄN MUỘI