Mỹ thuật Bình Ðịnh hội nhập và phát triển: Đôi điều ghi nhận
Những năm gần đây, hoạt động mỹ thuật ở tỉnh ta ngày càng khởi sắc. Nhiều tác phẩm của các họa sĩ, nhà điêu khắc Bình Ðịnh đã vươn tầm bước vào các “sân chơi” của khu vực và quốc gia...
Nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa bên tác phẩm “Mắc kẹt”.
Tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vừa diễn ra Triển lãm Mỹ thuật khu vực V - Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 24 - năm 2019. Triển lãm do Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội VH&NT và Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Lắk tổ chức.
Họa sĩ Lê Duy Hồng, Chi hội trưởng Chi Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Bình Định, cho biết: Tham gia Triển lãm có 320 tác phẩm của 233 tác giả là các họa sĩ, nhà điêu khắc đến từ 9 tỉnh, thành phố trong khu vực. Trong số này có 106 tác phẩm của các họa sĩ, nhà điêu khắc là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và 214 tác phẩm của các hội viên địa phương. Trong đó, Đà Nẵng 25 tác phẩm được chọn tham gia Triển lãm, Đắk Lắk có 23 tác phẩm, Quảng Nam: 21 tác phẩm, Khánh Hòa: 20 tác phẩm, Gia Lai: 19 tác phẩm, Phú Yên: 16 tác phẩm, Quảng Ngãi: 14 tác phẩm, Bình Định: 13 tác phẩm. Điều đáng ghi nhận ở Triển lãm lần này là số lượng tác giả, tác phẩm của các họa sĩ, nhà điêu khắc là hội viên địa phương nhiều hơn so với hội viên Trung ương.
Đối với Bình Định, mấy năm gần đây, hoạt động mỹ thuật trên địa bàn tỉnh đã có sự khởi sắc. Nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc của tỉnh đã nỗ lực vượt qua “thân phận tỉnh lẻ” để từng bước hội nhập với “sân chơi” khu vực và quốc gia... Theo đó, sau các tiền bối như: Bùi Sĩ Hinh, Lương Lu, Vũ Xuân Trường, Phan Chi, Cao Bá Đạt, Nguyễn Hồng Sơn..., có ngay thế hệ kế tiếp điển hình là: Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Đình Việt, Lê Duy Hồng, Hồ Minh Quân, Nguyễn Chơn Hiền, Lê Kỳ, Lê Thị Tuấn, Lê Duy Khanh... và những tác giả được xem là trẻ nay có thể nhận trách nhiệm đứng vào vị trí kế thừa và phát triển đáng kể là: Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn Cần, Giang Minh Hoàng, Trần Tuấn...
Tác phẩm “Lễ hội Tây Nguyên” của Phạm Văn Thu (Quảng Ngãi).
Những năm gần đây, khá nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc của Bình Định có tác phẩm đoạt giải cao và được chọn tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Tiêu biểu trong số này là các tác phẩm “Ký ức trong niềm bao bọc” (chất liệu gỗ - sắt, đoạt Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2013); “Trên từng lát cá” (sắp đặt, chất liệu gỗ - sắt, đạt giải B Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên mở rộng năm 2017) của nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa; tác phẩm “Xóm núi” (in độc bản) của họa sĩ Lê Duy Hồng, đoạt giải khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên năm 2018; tác phẩm “Thu lưới” (sơn dầu) của họa sĩ Lê Duy Khanh đạt giải khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên mở rộng năm 2017; tác phẩm “Bình minh phố biển” (tổng hợp - Acrylic) của họa sĩ Nguyễn Văn Cần, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2015…
Tại Triển lãm khu vực lần này, bên cạnh một số tác phẩm chọn đề tài dân tộc thiểu số, miền núi (“Nắng Tây Nguyên” của họa sĩ Nguyễn Văn Cần, “Những đứa con của rừng” của họa sĩ Trần Tuấn), một số tác giả Bình Định đi sâu vào khai thác các đề tài thời sự, chính trị, xã hội. Tiêu biểu như các tác phẩm: “Tiễn anh lên đường” của Nguyễn Chơn Hiền, “Mắc kẹt” của Lê Trọng Nghĩa, “Tình quân dân” của Nguyễn Trần Quyên... Bên cạnh đó, chất liệu mà các tác giả Bình Định sử dụng lần này cũng khá đa dạng: Sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ, acrylic, in độc bản, gỗ, gỗ - sắt, gỗ tổng hợp...
Điểm đáng chú ý là sự tìm tòi sáng tạo của các tác giả ngày càng phóng khoáng và tính gợi mở, biểu đạt đa chiều ngày càng cao và tất cả đều giàu sức sống hôm nay. Điển hình cho khuynh hướng này là tác phẩm “Mắc kẹt” của nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa. Vẫn như lần trước, người thưởng ngoạn sẽ vẫn thấy đó gỗ - sắt; là những con cá với những ràng buộc, thậm chí trói buộc, song tác phẩm của Lê Trọng Nghĩa lần này như có sức nặng lớn hơn và chuyển tải được nhiều thông điệp hơn với những khoảng mở xô lệch, đan quyện và liền lạc... Ngắm “Mắc kẹt”, mỗi người xem lại có một hiệu ứng thẩm mỹ riêng, thậm chí ở từng góc độ khác nhau, không gian và ánh sáng khác nhau cảm xúc thẩm mỹ sẽ biến tấu trên nhiều rung động khác nhau.
Kết quả Triển lãm Mỹ thuật khu vực V - Nam miền Trung & Tây Nguyên 2019:
* Giải B: “Mẹ Tây Nguyên” (chất liệu tổng hợp của Mai Quý Ngọc - Gia Lai); “Lễ hội Tây Nguyên” (khắc gỗ của Phạm Văn Thu - Quảng Ngãi)
* Giải C: “Chiều cao nguyên” (sơn mài của Ngô Tiến Sỹ - Ðắk Lắk)
* Giải Khuyến khích: “Mắc kẹt” (gỗ + đá của Lê Trọng Nghĩa - Bình Ðịnh), “Bản sắc Tây Nguyên” (sơn dầu của Trần Hà - Khánh Hòa), “Vài giờ và một phút” (sơn dầu của Lê Nguyên Chính - Quảng Nam); “Giấc mơ xanh” (sơn dầu của Hồ Văn Hậu - Ðắk Lắk).
VIẾT HIỀN