Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới: Dấu ấn từ công tác tuyên truyền
Qua 3 năm thực hiện, Ðề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030” bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ.
Vấn đề bình đẳng giới được thực hiện chủ yếu thông qua các hình thức tuyên truyền.
- Trong ảnh: Hội thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới” - năm 2019 do Sở LĐ-TB&XH và Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới ngày càng được quan tâm, chú trọng. Theo đó, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tại Trường ĐH Quy Nhơn và hệ thống trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Năm 2019, Sở đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới”; năm 2018, phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Thạnh và TP Quy Nhơn tổ chức Hội thi “Đàn ông xây tổ ấm” và Hội thi “Tìm hiểu kiến thức về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”…
Trong 3 năm qua, Hội LHPN tỉnh cũng đã phối hợp tổ chức 30 buổi tuyên truyền nâng cao nhận thức bình đẳng giới, thu hút gần 3.000 hội viên, phụ nữ tham dự tại 30 xã. Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng triển khai đồng loạt các phong trào, hoạt động tuyên truyền về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ. Trong đó, đáng chú ý là huyện Tây Sơn tổ chức Hội thao “Vì sức khỏe phụ nữ”, Ngày hội truyền thông “Nam giới chia sẻ việc nhà”... Huyện An Lão xây dựng và duy trì mô hình CLB về xây dựng gia đình phát triển bền vững ở 57/57 thôn...
Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc.
- Trong ảnh: Gia đình hạnh phúc của vợ chồng anh Nguyễn Tư, ở xã Cát Hanh, huyện Phù Cát- đạt giải nhất tại Ngày hội Gia đình năm 2019 - cùng trổ tài cắm hoa.
Chủ động phòng ngừa, ứng phó
Điều đáng chú ý là các dịch vụ, mô hình hỗ trợ, can thiệp phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới đã được chú trọng triển khai. Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 8 mô hình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại TP Quy Nhơn và huyện Vân Canh (năm 2019); huyện Hoài Nhơn và TX An Nhơn (năm 2018), huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân (năm 2017). Tham gia mô hình chủ yếu là các nhóm đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực giới, bạo lực gia đình; đối tượng dễ bị tổn thương do bạo lực trên cơ sở giới; nam - nữ thanh niên trong độ tuổi kết hôn và thanh thiếu niên.
Hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân nói chung và nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới được thực hiện thường xuyên. 3 năm qua, toàn tỉnh có 1.878 trường hợp yêu cầu được trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, trong đó có 1.167 phụ nữ.
Đáng ghi nhận là, theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của các cấp hội Phụ nữ luôn được chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng. Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã thành lập được 1.420 tổ tư vấn pháp luật, tổ hòa giải, địa chỉ tin cậy; 1.130 cán bộ Hội Phụ nữ các cấp là cộng tác viên, tuyên truyền viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh; hầu hết các Chi hội trưởng phụ nữ là hòa giải viên cơ sở; 11 cán bộ hội cấp huyện là báo cáo viên pháp luật cấp huyện.
Đến năm 2020, Đề án đặt ra một số chỉ tiêu: 50% nạn nhân bạo lực gia đình được phát hiện được tư vấn về tâm lý, sức khỏe, hỗ trợ chăm sóc; 85% số người gây bạo lực gia đình được phát hiện, xử lý, tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình. Theo bà Ngô Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH - đơn vị triển khai thực hiện Đề án, các giải pháp được chú trọng, đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc phát hiện và hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân; đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng mô hình gia đình hạnh phúc, bình đẳng và không có bạo lực…
KHẢI THƯ