Giá trị lịch sử của Cách mạng tháng Tám trong công cuộc đổi mới đất nước
Mùa thu cách đây 74 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã làm nên một kỳ tích trong thế kỷ XX, đó là tiến hành thành công Cách mạng tháng Tám ngày 19.8.1945, lật đổ ách thống trị của phát xít, xóa bỏ chế độ quân chủ lỗi thời, giành độc lập cho dân tộc, thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa dân tộc Việt Nam phát triển theo con đường cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cách mạng tháng Tám thành công đã dệt nên những trang vàng của lịch sử dân tộc. Trải qua hơn 7 thập kỷ, những giá trị lịch sử ấy đã được kiểm nghiệm bằng những thắng lợi vĩ đại, đưa đất nước ngày càng phát triển và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đất nước đang từng ngày phát triển vững chắc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Ảnh minh họa
Từ thắng lợi vẻ vang của Cách mạng tháng Tám, chế độ cộng hòa dân chủ được thiết lập trên đất nước ta từ ngày 2.9.1945, quốc hiệu Việt Nam được khôi phục và những giá trị văn hóa cao đẹp của nước Việt Nam giàu truyền thống văn hiến được giành lại, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam phát triển, dồi dào, tạo nên xung lực chiến đấu và chiến thắng. Đặc biệt, thắng lợi đó là minh chứng sinh động cho sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, tạo nên sức bật mạnh mẽ, đưa dân tộc ta giành tiếp những thắng lợi mới, viết tiếp những trang sử hào hùng và oanh liệt trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Từ đó, tạo dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ và phồn vinh, tăng cường đối ngoại, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
74 năm sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám, dân tộc ta đang tiến bước trên hành trình hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đặc biệt, qua hơn 30 năm đổi mới với những đường lối chỉ đạo đúng đắn của Đảng, toàn quân, toàn dân đã đoàn kết một lòng đưa đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có những bước phát triển vững chắc, hoàn thành các mục tiêu xây dựng CNXH.
Trong hơn 33 năm qua (1986-2019), tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta luôn ở mức cao hơn trung bình khu vực và thế giới, với mức tăng bình quân cả thời kỳ gần 7%/năm. Chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện, trình độ công nghệ trong sản xuất được nâng lên. Tăng trưởng GDP giai đoạn 2001-2005 đạt 21,4%, giai đoạn 2006-2010 đạt 17,2%, đến giai đoạn 2011-2015 tăng lên 28,94%, đến năm 2018 tăng 7,08%.
Với mục tiêu định hướng XHCN, Đảng ta luôn thống nhất quan điểm tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Do đó, các vấn đề về an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi cho mọi người đều phát triển khá đồng bộ và ngày càng được cải thiện. Vấn đề lao động việc làm, năng suất lao động tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm chỉ còn 2,17% năm 2018.
Ngành thủy sản đang có đóng góp rất lớn trong tăng trưởng kinh tế đất nước. Ảnh minh họa
Công cuộc xóa đói, giảm nghèo là một trong nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và của toàn dân, được tổ chức thực hiện nghiêm túc, chu đáo, từ khâu xác định chuẩn nghèo cho từng giai đoạn phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế và mức sống bình quân của dân cư.
Các chương trình, dự án đầu tư nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo, vùng đặc biệt khó khăn để mọi người tham gia sản xuất kinh doanh vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá giả, hộ nghèo cả nước đã giảm dần qua các giai đoạn phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo từng bước giảm và theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 là 8,93%, năm 2018 giảm xuống còn 5,35%. Chương trình xóa đói giảm nghèo ở nước ta được các tổ chức quốc tế đánh giá là thành công và đó là do sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị, xã hội và của toàn dân.
Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được quan tâm, tích cực triển khai nhiều giải pháp giảm quá tải bệnh viện; tập trung đầu tư xây dựng hệ thống các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến cuối. Đội ngũ cán bộ y tế phát triển cả về số lượng và chất lượng đối với cả y tế công lập và tư nhân. Riêng đối với y tế công lập, số cơ sở khám chữa bệnh được đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân, số giường bệnh tăng bình quân 47,2%/năm; số bác sĩ tăng bình quân 9,8%/năm. Tuổi thọ trung bình của nước ta tăng, đạt 73,5 tuổi năm 2018, vượt xa các nước có thu nhập thấp (58 tuổi) và cao hơn các nước có thu nhập trung bình (71 tuổi). Số trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng, thể thấp còi là 23,8%, thể nhẹ cân là 13,4% và đang có xu hướng giảm dần...
Theo V.H (bienphong.com.vn)