Ngày hội tôn vinh Hiến pháp và pháp luật
Cách đây 67 năm, ngày 9.11.1946, Quốc hội thay mặt toàn thể nhân dân thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ðây thật sự là một bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ, kết tinh những giá trị cao cả của thời đại, thấm đẫm tinh thần “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước dân chủ của nhân dân.
Đây thật sự là một thời khắc đặc biệt đi vào lịch sử dân tộc ta như là một mốc son chói lọi khẳng định tư cách chủ nhân của mỗi người dân Việt Nam. Vì vậy, ngày 20.6.2012, Quốc hội đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó quy định ngày 9.11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Năm 2013 là năm đầu tiên nước ta tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật (9.11) trong phạm vi toàn quốc, nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Đây là một sự kiện hệ trọng trong đời sống chính trị- pháp lý của đất nước. Tuần lễ Ngày Pháp luật năm nay đã diễn ra từ ngày 4 đến 10.11, cao điểm là ngày 9.11 thật sự là một đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng, nhằm phát huy ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong việc thực hành phương châm “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” đã được Ðảng, Nhà nước ta đề ra từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước.
Ngày Pháp luật là dịp để tiếp tục nâng cao, tạo sự chuyển biến mới trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức và nhân dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội, đặc biệt trong việc xác lập trách nhiệm của Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Vì vậy, Ngày Pháp luật phải giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tự học tập, tìm hiểu để nâng cao hiểu biết pháp luật, tôn trọng, chấp hành pháp luật và bảo vệ pháp luật vì đó là tôn trọng và bảo vệ chính mình, góp phần duy trì xã hội trong trật tự, bảo vệ lợi ích của đất nước, của cộng đồng và của chính mỗi người dân.
Ngày Pháp luật còn là dịp để mỗi cán bộ, công chức, viên chức tự soi lại mình, tự kiểm điểm trách nhiệm của mình trong thực thi công vụ và trong quan hệ với nhân dân; tự điều chỉnh trong ý thức và hành xử cho xứng đáng là những “công bộc” của nhân dân, thật sự là người tuyên truyền, phổ biến pháp luật tích cực.
Ngày Pháp luật còn là cơ hội để thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước nghiêm túc chấp hành pháp luật, không ngừng nâng cao ý thức, hiểu biết pháp luật, tích cực tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, đáp ứng kỳ vọng của các thế hệ đi trước để cùng góp sức xây dựng một đất nước Việt Nam dân chủ, văn minh, giàu đẹp.
Ngày Pháp luật còn có ý nghĩa trong việc xây dựng và duy trì bền vững xã hội nhân văn có pháp chế nghiêm minh, có kỷ cương chặt chẽ; gắn kết mỗi cá nhân, tổ chức và toàn thể cộng đồng để cùng chung sức, chung lòng, tận dụng thời cơ, vượt qua nguy cơ, hình thành niềm tin, biến thành hành động cách mạng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Với tinh thần “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, chúng ta hãy cùng nhau làm cho Ngày Pháp luật hằng năm thật sự là ngày hội của toàn dân tôn vinh Hiến pháp và pháp luật.
Nguyên Chính