Nhiều doanh nghiệp sử dụng đất sai mục đích
Có rất nhiều DN được tỉnh cho thuê đất để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nhưng không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích, gây lãng phí tài nguyên đất đai.
Theo ngành chức năng của tỉnh, tình trạng DN vi phạm các quy định trên lĩnh vực đất đai đang diễn ra phổ biến. Riêng tại huyện Phù Cát, qua quá trình kiểm tra, chính quyền địa phương phát hiện 4 DN (DNTN An Kim, Công ty TNHH Ban Mai, Công ty TNHH Tuấn Phong, Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định) thuê đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Sau khi được tỉnh cho thuê đất tại xã Cát Hải, huyện Phù Cát để đầu tư nuôi tôm, DNTN An Kim đã cho nhiều đơn vị, hộ gia đình khác thuê lại đất để nuôi tôm.
Theo UBND huyện Phù Cát, DNTN An Kim (ở thị trấn Ngô Mây) được UBND tỉnh cho thuê 41,9 ha đất tại xã Cát Hải từ năm 2003 (thời hạn thuê 50 năm) để đầu tư nuôi tôm. Nhưng DN nói trên không làm mà lại cho một số đơn vị khác thuê lại đất để nuôi tôm.
Cũng tại xã Cát Hải, năm 2016 Công ty TNHH Ban Mai được UBND tỉnh cho thuê 26,7 ha đất để xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch sinh thái, nhưng tiến độ chậm đến mức đến nay vẫn chưa có gì nếu so với kế hoạch.
Công ty TNHH Tuấn Phong thuê trên 3.129 m2 đất tại xã Cát Trinh để đầu tư sản xuất kinh doanh và Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định thuê trên 1.505 m2 đất tại thị trấn Ngô Mây để xây dựng cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhưng nhiều năm nay 2 DN không sử dụng đất được cho thuê.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra tình hình sử dụng đất của các DN đã thuê, nhưng không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích trong và ngoài các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, báo cáo với ngành chức năng và UBND tỉnh xem xét, xử lý”, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Trần Văn Hương cho hay.
Tại các khu công nghiệp (KCN), nhiều DN cũng sử dụng đất sai mục đích. Kiểm tra thực tế 143 vị trí thuê đất thuộc KCN Phú Tài và KCN Long Mỹ, ngành chức năng của tỉnh phát hiện 12 vị trí đất của 9 DN thuê lại đất tại KCN Phú Tài và KCN Long Mỹ sử dụng đất thuê sai mục đích so với quyết định chứng nhận đầu tư và hợp đồng thuê đất của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, với tổng diện tích 197.169 m2.
Đơn cử như Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc đăng ký đầu tư dự án chế biến nông sản nhưng lại sử dụng nhà kho để chứa mì lát. Tương tự, dự án đăng ký đầu tư của các DN: Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Thành Hưng, Công ty TNHH Tâm Đào, Công ty TNHH MTV Phân bón Tây Nguyên, Công ty CP Tư vấn nhân lực Nic, Công ty CP Vật tư nông sản, Công ty CP Xuất nhập khẩu Trung Hưng Kon Tum, DNTN Phú Lợi... là chế biến nông sản, nhưng phần lớn lại sử dụng nhà kho để chứa phân bón thành phẩm. Ngoài ra, 9 DN thuê 16 lô đất với tổng diện tích trên 450.247 m2 nhưng sử dụng một phần nhỏ hoặc không sử dụng, gây lãng phí tài nguyên đất.
Kết quả kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước khu vực III về việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa các DN nhà nước giai đoạn 2011 - 2017 trên địa bàn tỉnh Bình Định cho thấy, có 4/16 DN không xây dựng phương án sử dụng đất theo quy định của Nhà nước; 3 DN xây dựng phương án sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh với hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất không đúng quy định pháp luật đối với 55 thửa đất/hơn 341 nghìn m2.
Trao đổi với chúng tôi về công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai và việc kiểm tra, xử lý các DN thuê đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích, ông Trần Kỳ Quang, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: “Lĩnh vực đất đai nhạy cảm và rất phức tạp. Hiện Sở TN&MT cũng chưa hoàn thiện báo cáo về tình hình sử dụng đất của các DN đã được tỉnh cho thuê đất để đầu tư sản xuất, kinh doanh nhưng không sử dụng, hoặc sử dụng sai mục đích, nên chưa thể cung cấp số liệu cụ thể”. Theo Kiểm toán Nhà nước, để xảy ra những tồn tại, vi phạm nói trên không chỉ có nguyên nhân chủ quan từ phía các DN, mà còn có sự buông lỏng trong công tác quản lý, giám sát, thiếu trách nhiệm từ ngành chức năng, chính quyền các địa phương.
PHẠM TIẾN SỸ