Tập trung ứng phó với siêu bão Haiyan
Trước tình hình diễn biến phức tạp của siêu bão Haiyan, chiều 8.11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão này. Dự họp ở đầu cầu Bình Ðịnh có các đồng chí: Nguyễn Văn Thiện - Bí thư Tỉnh ủy; Hồ Quốc Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh…
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão-Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) Trung ương, khoảng 10 giờ ngày 10.11, vị trí tâm của siêu bão Haiyan ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc, 108,5 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Trung Trung bộ; sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15, giật trên cấp 17.
Nhiều nỗi lo
Do ảnh hưởng của bão, trong 2 ngày 7 và 8.11, khu vực miền Trung đã xảy ra có mưa lớn trên diện rộng. Ở tỉnh ta cũng đã xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa từ 1 giờ ngày 6 đến 19 giờ ngày 7.11 tại An Hòa 143 mm, Bồng Sơn 64 mm, Vĩnh Sơn 238 mm, Bình Nghi 123mm, Thạnh Hòa 86 mm, Vân Canh 136 mm, TP Quy Nhơn 83 mm, Phù Mỹ 67 mm, Phù Cát 132 mm, Hoài Ân 147mm. Các sông trong tỉnh cũng đã xuất hiện lũ ở mức báo động cấp I - II... Nhiều địa phương trong tỉnh có mưa lớn kéo dài gây ngập lụt ở nhiều nơi.
Tại huyện Tuy Phước, nhiều tuyến đường giao thông ở các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Nghĩa, Phước Lộc… bị ngập úng cục bộ, nhiều khu dân cư bị chia cắt, cô lập. Trên 2 tuyến tỉnh lộ huyết mạch thuộc địa bàn huyện Tuy Phước là tỉnh lộ 640 và 636B, nhiều đoạn bị ngập sâu từ 0,7 - 1m, người dân và phương tiện qua lại phải đi bằng đò hoặc xe tải. Gần 500 công nhân lao động ở các xã Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thắng… đang làm việc tại các Khu Công nghiệp Phú Tài và TP Quy Nhơn phải tạm nghỉ việc.
Tại Hoài Nhơn, nhiều tuyến đường liên thôn tại các xã Hoài Mỹ, Hoài Hương, Hoài Hải… cũng bị nước lũ gây ngập úng. Nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đang đứng trước nguy cơ bị nước lũ cuốn trôi gây thiệt hại cho người nuôi tôm. Tại Hoài Ân, nước lũ đổ về đe dọa đến nhiều khu dân cư ven sông Kim Sơn, sông An Lão tại các xã Ân Thạnh, Ân Tín, Ân Hữu…
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, khi vào biển Đông với sức gió mạnh cấp 14-15, giật trên cấp 17, siêu bão Haiyan sẽ tàn phá khủng khiếp, hậu quả là rất lớn. Điều đáng quan ngại hiện nay là còn có nhiều tàu cá và ngư dân đang ở trong vùng nguy hiểm, trong đó nhiều tàu cá Bình Định. Ngoài ra, khu vực từ tỉnh Thanh Hóa đến Bình Định có 114 hồ chứa nước (Bình Định có 15 hồ) có nguy cơ sự cố, không đảm bảo an toàn. Ngoài ra, còn có hàng chục ngàn hộ dân ở những vùng ven biển, vùng hạ du các công trình thủy lợi đang gặp nguy hiểm. Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các địa phương chủ động liên lạc với ngư dân di chuyển khẩn cấp ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời sớm sơ tán các hộ dân ở vùng thiên tai nguy hiểm đến nơi an toàn.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão Haiyan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Ban chỉ đạo PCLB-TKCN Trung ương, Ban chỉ đạo PCLB-TKCN các bộ, ngành và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Cà Mau khẩn trương liên hệ và hướng dẫn ngư dân di chuyển tàu thuyền tránh trú bão; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân ở những vùng có nguy cơ thiên tai cao, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, trường học; bảo vệ các hồ chứa nước, đập, đê kè… với quyết tâm cao nhất, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Đồng thời, chuẩn bị các biện pháp khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Tập trung ứng phó với siêu bão
Đại tá Trương Đức Nghĩa, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho biết: “Chúng tôi đã quán triệt tư tưởng ứng phó với siêu bão Haiyan đến các chiến sĩ và chuẩn bị lực lượng, phương tiện cơ động trước 14 giờ ngày 9.11, sẵn sàng đợi lệnh để thực hiện nhiệm vụ”.
Ở tỉnh ta, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp ứng phó với siêu bão Haiyan.
Tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đang tập trung triển khai nhiều biện pháp ứng phó với bão. Ông Phạm Trương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Hoài Nhơn đã liên tục liên lạc, hướng dẫn ngư dân di chuyển tàu cá, tìm nơi tránh trú an toàn; chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai phương án PCLB-TKCN đã được phê duyệt; tiếp tục liên lạc và hướng dẫn tàu thuyền tránh bão và chuẩn bị lực lượng, phương tiện để di dời các hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, phân công lực lượng túc trực tại 5 hồ chứa nước xung yếu và chuẩn bị phương án sơ tán các hộ dân sinh sống ở vùng hạ du…”.
Ông Huỳnh Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết: “Huyện đã kêu gọi tất cả 1.133 tàu cá, trong đó có 604 tàu hoạt động ở các ngư trường xa tìm nơi tránh trú bão an toàn. UBND huyện cũng đã xây dựng phương án di dời khẩn cấp toàn bộ các hộ dân ở vùng ven biển, vùng trũng thấp có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng do thiên tai, đồng thời chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương, hội-đoàn thể hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa và thu hoạch 1.226 ha lúa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Phó Chủ tịch Hồ Quốc Dũng báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về công tác ứng phó với cơn bão Haiyan tại Bình Định: “Bình Định đã liên hệ và hướng dẫn 194 tàu/1.357 ngư dân tìm nơi trú tránh an toàn. Tỉnh cũng đã xây dựng phương án di dời người dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; chỉ đạo các địa phương đều phải có phương án, phương tiện di dời dân trước 18 giờ ngày 9.11, khi có lệnh là thực hiện ngay. Khuyến cáo người dân không đi lại trong mưa bão, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền an toàn và tuyệt đối không được để ngư dân ở lại trên tàu thuyền khi xảy ra bão. Tại các hồ chứa nước xung yếu, ngành chức năng, chính quyền các địa phương cử người túc trực 24/24 giờ. Sở GD-ĐT chủ động cho học sinh nghỉ học khi có gió lớn. Các sở, ngành chức năng chuẩn bị đầy đủ thuốc, lương thực, thực phẩm để cung cấp cho nhân dân”.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện đã yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền và các hội-đoàn thể trong tỉnh tiếp tục làm việc trong hai ngày nghỉ cuối tuần này và triển khai nhanh các biện pháp ứng phó với bão. Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy được phân công nhanh chóng xuống cơ sở cùng với lãnh đạo các địa phương chỉ đạo ứng phó với bão. UBND tỉnh phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư… để ứng phó với bão. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chuẩn bị lực lượng, phương tiện để UBND tỉnh điều hành khi cần thiết.
PHẠM TIẾN SỸ
* Nhiều tàu thuyền Bình Định đang khai thác ở khu vực xã quần đảo Trường Sa đã vào âu tàu Song Tử Tây trú, tránh bão. Đến chiều 8.11, hơn 70 tàu thuyền của ngư dân các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên vào âu. Ông Huỳnh Văn Tiến, quê xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, thuyền trưởng tàu BĐ 95703-TS vui mừng cho biết: “Nhận được tin áp thấp nhiệt đới, chúng tôi đã nhanh chóng thu ngư cụ, cho tàu cơ động vào âu tàu trú, tránh, đồng thời mua thêm dầu diesel; xin cấp thêm nước ngọt; chờ sóng im, biển lặng lại ra khơi bám biển. Có được những âu tàu như thế này trên biển vừa là niềm hạnh phúc vừa là niềm tin và chỗ dựa vững chắc cho ngư dân chúng tôi an tâm vươn khơi, bám biển, khai thác làm giàu cho quê hương, đất nước và khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.
NGUYỄN VĂN NAM (gởi từ đảo Song Tử Tây)
* BVĐK tỉnh thành lập 4 đội cấp cứu lưu động. Trước diễn biến bất thường của cơn bão Haiyan, chiều tối 8.11, Giám đốc BVĐK tỉnh Hồ Việt Mỹ đã ký quyết định thành lập 4 đội cấp cứu lưu động. Mỗi đội có 4 thành viên, gồm 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng và 1 lái xe. Các đội cấp cứu lưu động có nhiệm vụ chuẩn bị các phương tiện vận chuyển, cấp cứu và trang bị đầy đủ cơ số thuốc, dụng cụ cần thiết, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi có lệnh điều động. Theo bác sĩ Hồ Việt Mỹ, các đội cấp cứu lưu động sẽ được điều động khi xảy ra những tai nạn có thương vong lớn, đồng thời hỗ trợ cho các cơ sở y tế tuyến dưới khi cần thiết.
NGUYỄN VĂN TRANG
* Ban Chỉ huy PCLB huyện Phù Mỹ đã và đang tập trung theo dõi, tổ chức triển khai thực hiện Phương án dự kiến di dời 908 hộ/4.049 nhân khẩu nằm trong các vùng sạt lở ven biển, ven sông, vùng trũng, vùng hạ lưu hồ chứa... khi có bão xảy ra. Trong đó, Mỹ Thành 147 hộ, 631 nhân khẩu; Mỹ Chánh 220 hộ, 968 nhân khẩu; Mỹ Cát 52 hộ, 240 nhân khẩu; Mỹ Đức 95 hộ, 396 nhân khẩu; Mỹ Thắng 100 hộ, 487 nhân khẩu; Mỹ An 19 hộ, 77 nhân khẩu; Mỹ Thọ 190 hộ, 875 nhân khẩu và Mỹ Tài 85 hộ, 375 nhân khẩu. Việc di dời được khai thác và phát huy nguồn lực tại chỗ như đội thanh niên xung kích thôn, xã, đoàn thanh niên, lực lượng dân quân kết hợp tranh thủ sự giúp đỡ của Lữ đoàn 572, Bộ đội Biên phòng 312, Công an, Huyện Đội, HTX vận tải 30/3... trên cơ sở sử dụng hết các phương tiện xe máy, ghe xuồng, ô tô... nơi sở tại, nhằm di dời kịp thời, nhanh chóng đến nơi an toàn, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trong bão lũ.
XUÂN LỘC
* Chiều 8.11, đại tá Trần Thanh Sơn, Phó Chỉ huy trưởng-Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh, cho biết: Để sẵn sàng ứng phó với cơn bão Haiyan, Bộ CHQS tỉnh đã duy trì lực lượng trực 100% quân số. Theo đó, bộ đội thường trực, dân quân cơ động, dân quân tự vệ, dự bị động viên với tổng số gần 5.000 người, còn có thêm lực lượng của 12 đơn vị của Bộ Quốc phòng và Quân khu 5 đứng chân trên địa bàn cũng được huy động để sẵn sàng tham gia bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân trước và trong khi bão xảy ra.
Hiện các đơn vị quân đội tổ chức trực 24/24 giờ tại cơ quan và tổ chức chằng chống nhà cửa, doanh trại, kho tàng, chống dột, chống sập; triển khai mạng lưới thông tin liên lạc từ tỉnh đến các nơi xung yếu phục vụ cho công tác chỉ huy điều hành và nắm tình hình. Bộ CHQS tỉnh còn cử cán bộ bám sát cơ sở, nhất là những địa bàn xung yếu, nguy hiểm; chuẩn bị lực lượng tham gia cùng địa phương di dời nhân dân một số nơi trọng điểm, nhất là người dân sống ở vùng ven biển có nguy cơ ảnh hưởng của bão và triều cường đến nơi an toàn. Đồng thời chuẩn bị xuồng cứu hộ các loại, nhà bạt, phao tròn, phao bè và các trang bị khác, sẵn sàng làm nhiệm vụ; có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, như Công an, Biên phòng... chủ động thực hiện phương châm “3 sẵn sàng, 4 tại chỗ”, để ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
NGUYỄN PHÚC
* Để bảo đảm an toàn cho hồ chứa nước Định Bình (Vĩnh Thạnh), từ ngày 7.11, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định đã điều tiết nước qua tràn với lưu lượng 384m3/s; hiện nay hồ đã tích được 124 triệu m3/220 triệu m3. Bên cạnh đó, mưa lớn đã làm cho dung tích tại các hồ chứa nước khác đang tăng nhanh, hồ Núi Một (thị xã An Nhơn) đã tích được 32 triệu m3/70 triệu m3; hồ Thuận Ninh (Tây Sơn) tích được 19 triệu m3/35 triệu m3; hồ Hội Sơn (Phù Cát) tích được 21 triệu m3/44 triệu m3 …
N.Quý - T.lợi
* Theo báo cáo nhanh Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, tính đến 16 giờ ngày 8.11, toàn tỉnh vẫn còn 129 tàu/903 người nằm trong vùng nguy hiểm của bão Haiyan sắp vào biển Đông (Bắc vĩ tuyến 8 và Nam vĩ tuyến 16).
NGUYỄN HÂN – TRỌNG LỢI
Người dân chúng tôi cảm thấy vui vì từ chính phủ, bộ ngành cho đến chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện thị đã sốt sắng triển khai các biện pháp ứng phó với siêu bão này. Họp liên tục, công điện, chỉ thị liên tục, ti vi, báo đài cũng thông báo cập nhật tình hình. Thế nhưng, điều đáng buồn là hiện nay nhiều xã, phường, trong đó có một số phường của TP.Quy Nhơn, người dân chúng tôi chưa hề nghe thấy sự đôn đốc, nhắc nhở phòng bão của cán bộ phường xã. Các vị chủ quan cho rằng đã thông báo trên loa truyền thanh phường xã, nhưng không biết rằng: có nhiều nơi loa phát thanh đã "tắt tiếng" lâu nay. Khu vực trưởng, thôn trưởng, tổ trưởng an ninh cũng chẳng thấy ai đi đến các xóm làng, khu vực để nhắc nhở chuyện giằng tôn, cột cửa nẻo...Hình như họ cho rằng dân đều biết qua tivi, radio hết rồi, nhắc thêm thừa...!Vậy mà lúc đi thu tiền bảo vệ an ninh thì không sót một nhà nào!