Giành lại sự sống cho trẻ sinh non
Mỗi trẻ sơ sinh non yếu được nuôi dưỡng tại Phòng sơ sinh non yếu (thuộc khoa Nhi sơ sinh, BVÐK tỉnh) là một “cuộc chiến” của các y, bác sĩ và người nhà của trẻ để đưa các bé trở về trong vòng tay gia đình.
Cứu sống trẻ sinh non
Hôm chúng tôi đến Phòng sơ sinh non yếu, ở tầng 2 của khoa Nhi sơ sinh, giữ kỷ lục nhẹ cân nhất ở phòng này là bé trai con chị Đường Tiểu Ngọc (TX An Khê, tỉnh Gia Lai). Bà Lệ, bà nội của bé gần như đứng suốt buổi, luôn tay vỗ về, mắt không rời cháu nội. Chào đời sau ca vỡ ối sinh non khi thai mới 27 tuần tuổi, bé chỉ nặng 900 gram. Sau hơn 20 ngày, bé vẫn thở với sự hỗ trợ của máy thở CPAP, “ăn” sữa qua sonde dạ dày từ 2 ml/lần rồi tăng dần lên 5 ml/lần. “Tôi, cha cháu và bà ngoại cháu cắt cử nhau trực. Đếm từng phút, từng giây để thấy cháu khỏe hơn, biết cựa quậy, biết khóc, uống được sữa…”, bà Lệ bộc bạch.
Bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc bé trai sinh non chỉ nặng 900 gram, con của sản phụ Đường Tiểu Ngọc.
7 lồng ấp của phòng sơ sinh non yếu hoạt động hết công suất. Có bé đã ở cả tháng trời, có bé thì mới vừa chào đời. Gần 2 tháng nay, từ lúc cháu ngoại nằm lồng ấp cũng là lúc chị Trần Thị Ngọc (thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn) túc trực hoàn toàn. Chị bảo: “Mẹ cháu sinh non, tưởng cháu không qua khỏi. Từ 1,1 kg, rồi lên 1,25 kg, bác sĩ thông báo sức khỏe cháu đã ổn hơn, cả nhà mừng lắm!”.
Phụ trách phòng sơ sinh non tháng, bác sĩ Nguyễn Bích Phương cho hay, từ đầu năm đến nay đã điều trị, nuôi dưỡng hơn 200 bé sơ sinh non yếu từ 800 gram đến 2,2 kg. Đến nay, trẻ từ 1,5 kg trở lên khả năng nuôi sống đạt 80%; trong khi đó trẻ dưới 1 kg khả năng nuôi sống 20%. Hy hữu nhất là đã cứu sống trường hợp bé trai nặng 800 gram và ra đời ở tuần thứ 27 của thai kỳ; sau 4 tháng, bé được chuyển vào TP Hồ Chí Minh tiếp tục điều trị chuyên sâu.
“Nuôi trẻ non yếu là một “cuộc chiến”, không chỉ của nhân viên y tế mà còn là của người nhà trẻ. Phải rất cẩn trọng, kiên trì, tỉ mỉ từng chút một”, bác sĩ Phương nhấn mạnh.
Nâng niu từng dấu hiệu sống
Thời gian nuôi trẻ sơ sinh non yếu kéo dài có khi đến 3 - 4 tháng, với nhiều chuyển biến khó lường. Những trẻ sinh non thường gặp nhiều nguy cơ như: Ngạt, hạ thân nhiệt, hạ đường máu, suy hô hấp, nhiễm khuẩn, xuất huyết, vàng da và viêm ruột. Về lâu dài, nguy hiểm vẫn luôn rình rập như bệnh võng mạc bẩm sinh, tổn thương tai gây điếc, chậm phát triển thể chất và tinh thần… Năm 2015, khi phòng khám bệnh lý võng mạc trẻ sinh non (ROP) đi vào hoạt động đặt tại khoa Nhi sơ sinh do Tổ chức Orbis tài trợ, nỗi trăn trở của các y bác sĩ về điều trị kịp thời bệnh võng mạc ở trẻ sinh non mới được giải quyết.
Trẻ non yếu sau thời gian ổn định sức khỏe được điều dưỡng đưa ra tắm.
Ca trực 12 giờ trưa của điều dưỡng Trang Thị Lành bắt đầu với việc cho bé “ăn” sữa. Công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng đòi hỏi độ chính xác cao. Những bé lớn hơn có thể ăn 2 - 3 ml sữa sau mỗi 2 - 3 giờ, các bé quá non yếu chỉ có thể ăn từng mi-li-lít một, trước khi cho ăn phải kiểm tra bé. Mỗi ca trực ở đây chỉ có 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng chăm sóc 7 bé, với hỗ trợ của bác sĩ và điều dưỡng làm ngày. Mà các bé đều thuộc diện cấp cứu, cần phải theo dõi liên tục.
“Ngoài chuyên môn vững, điều dưỡng còn phải có tình yêu nghề, yêu trẻ. Khi về đây, các điều dưỡng phải qua đào tạo hồi sức nhi sơ sinh thêm 1 năm mới có thể chăm sóc bệnh nhi non yếu. Chúng tôi cũng tổ chức mô hình người nhà trẻ cùng chăm sóc, đáp ứng tốt hơn cho trẻ về mặt tình cảm, khâu chăm sóc, kiểm soát những bất thường của bé; giám sát cả công việc của nhân viên y tế”, điều dưỡng trưởng khoa Nhi sơ sinh, chị Phạm Thị Thúy Kiều chia sẻ.
MAI HOÀNG