Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em:
Cần sửa đổi để “bám sát” cuộc sống hơn
Sau 9 năm thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, công tác trẻ em trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc phụ trách Sở LÐ-TB&XH, cho biết vẫn cần những thay đổi để Luật “bám sát” cuộc sống hơn.
● Nhìn lại chặng đường 9 năm thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở tỉnh ta, theo ông, đâu là những “dấu son”?
- Khó nói hết những hiệu quả tích cực mà Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em mang lại cho công tác trẻ em ở tỉnh ta. Với đặc thù của một địa phương gánh chịu nhiều hậu quả chiến tranh, kinh tế còn khó khăn, toàn tỉnh có gần 3.300 trẻ bị tàn tật nặng, mồ côi, bị bỏ rơi, nạn nhân chất độc hóa học, bị nhiễm HIV/AIDS và hơn 30.000 trẻ sống trong các gia đình nghèo. Tuy nhiên, hầu hết các em đều được bảo vệ, chăm sóc, được trợ giúp về y tế và giáo dục. Ngoài việc hưởng trợ cấp xã hội, các em còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí và đóng góp xây dựng trường, được cấp sách vở, đồ dùng học tập.
Một điểm đáng chú ý nữa là tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở tỉnh ta giảm ấn tượng, từ 24,5% (năm 2005) xuống 18,6% (năm 2010) và còn 16,8% (năm 2012). Tỉ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin hằng năm luôn đạt 99-99,7%. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục được nâng cao, trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến lớp đạt đến 99,8%.
● Những thành quả đó hẳn không chỉ có được từ sự nỗ lực của những người trực tiếp làm công tác trẻ em?
- Ủy ban Dân số - Gia đình - Trẻ em, sau này là Sở LĐ-TB&XH luôn nhận được sự đồng hành của nhiều sở, ngành, đoàn thể. Sở GD&ĐT, Tỉnh đoàn, Hội LHPN tỉnh, Sở Y tế, Sở Tư pháp… cùng vào cuộc, để mở rộng cơ hội được quan tâm, chăm sóc toàn diện cho thế hệ mầm non tỉnh nhà. Như Sở GD&ĐT đã tích cực tổ chức quán triệt Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho tất cả giáo viên phổ thông trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức quán triệt Luật cho cán bộ tuyên truyền viên, giáo viên mầm non của 58 xã, thị trấn trong tỉnh thông qua chuyên đề “Bình đẳng và hòa nhập trong giáo dục”…
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận công tác trẻ em vẫn còn không ít khó khăn, rào cản dù các ngành liên quan đã có nhiều nỗ lực. Công tác xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục và đào tạo chưa tương xứng với nhiệm vụ đặt ra cho trường học, chưa đồng bộ ở các bậc học. Rõ nét nhất là ở bậc mầm non, đặc biệt trường, lớp mẫu giáo do xã, phường quản lý chỉ thực sự được quan tâm trong vài năm gần đây, khi bậc học này được đưa vào hệ thống giáo dục quốc dân. Nhiều trường mầm non ở nông thôn còn tạm bợ, phải học nhờ, học tạm.
Bên cạnh đó, việc đầu tư các thiết bị, khu vui chơi giải trí còn hạn chế, các em còn thiếu những sân chơi lành mạnh.
● Ra đời từ năm 2004, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã bộc lộ nhiều bất cập. Cần sửa đổi, bổ sung như thế nào để thay đổi thực tế này, thưa ông?
- Mới đây, nhân đợt giám sát của HĐND tỉnh về tình hình thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, chúng tôi đã nêu một số kiến nghị để thay đổi Luật, dựa trên tình hình thực tiễn của địa phương.
Mong muốn lớn nhất của những người làm công tác trẻ em là các em được sống trong môi trường hoàn toàn trong sạch, lành mạnh. Thế nhưng, trong giai đoạn 2004-2012, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 128 vụ xâm hại tình dục trẻ em và 37 vụ trẻ em bị ngược đãi, bạo lực. Các quy định xử lý vi phạm trên lĩnh vực này chưa đủ mạnh là một nguyên nhân quan trọng. Vì thế, chúng tôi kiến nghị bổ sung một chương riêng về bảo vệ trẻ em, nhằm tăng khả năng phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ xâm hại, bạo lực trẻ em với những quy định, chế tài cụ thể, cùng quy trình phòng ngừa, trợ giúp và giải quyết các trường hợp bị xâm hại, bạo lực đối với trẻ em. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định cụ thể về hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, các cơ sở trợ giúp trẻ em.
Một điểm cần thay đổi nữa là phải quy định cụ thể hơn một số điều liên quan đến chính sách đối với trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
●Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)