Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thiếu cơ chế điều phối đủ mạnh
Thiếu một cơ chế điều phối đủ mạnh là một trong những nguyên nhân khiến sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn rời rạc, chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp.
Khách du lịch tại phố cổ Hội An, Quảng Nam.
Trước thực tế này, một trong những mục tiêu của Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung diễn ra ngày 20.8 tại Bình Định là hoàn thiện thể chế vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động điều phối và liên kết vùng trong thời gian tới.
Vùng KTTĐ miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Vùng đã được xác định sẽ phát triển thành trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; trở thành vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, là cửa ngõ ra biển quan trọng của các tỉnh vùng Tây Nguyên.
Thời gian qua Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy, triển khai liên kết vùng, trong đó có vùng KTTĐ miền Trung. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 113/2005/QĐ-TTg về Chương trình hành động của Chính phủ nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội vùng miền Trung sớm tiến kịp các vùng khác trong cả nước và khu vực, cải thiện căn bản đời sống vật chất, văn hoá tinh thần nhân dân; từng bước xây dựng vùng KTTĐ miền Trung trở thành vùng phát triển năng động của cả nước, đóng vai trò hạt nhân tăng trưởng và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung.
Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 13.10.2014 về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng KTTĐ miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Các Bộ, ngành cũng đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản liên quan đến cơ chế, chính sách để phát triển vùng, như quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng…
Hội đồng vùng KTTĐ miền Trung được thành lập và tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, giao ban để đánh giá thực trạng, bàn các giải pháp về liên kết phát triển vùng, tổng hợp, đề xuất nhiều nội dung với Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, có những sáng kiến, kiến nghị hỗ trợ phát triển quan hệ liên kết hợp tác phát triển giữa các địa phương, thống nhất chủ trương liên kết trong xây dựng hạ tầng, phân khu chức năng, liên kết phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế xã hội trong phân công vai trò các khu kinh tế, khu công nghiệp…
Hội đồng đã tiếp tục thực hiện các hoạt động liên kết cụ thể trong xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch, liên kết trong lĩnh vực vận tải. Đến nay, đã hình thành các tour du lịch “Con đường di sản miền Trung”, “Ba địa phương một điểm đến”, tiếp tục hợp tác xây dựng tuyến du lịch hành lang kinh tế Đông-Tây...
Vùng cũng đã ưu tiên hoàn thành các trục kết nối liên tỉnh, liên vùng, hệ thống đường cao tốc, đường bộ, cảng biển, cảng hàng không… Thông qua các chương trình mục tiêu của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ vùng xây dựng các công trình trọng điểm, kết nối giao thông mang ý nghĩa vùng.
Chưa thể hiện được vai trò hạt nhân tăng trưởng
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, liên kết vùng KTTĐ miền Trung cũng còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Vùng chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tầu dẫn dắt kinh tế miền Trung. GRDP của vùng KTTĐ miền Trung đến 2018 chỉ chiếm 6,93% GDP của cả nước. Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2019 của 4/5 địa phương tăng trưởng thấp hơn bình quân chung của vùng và cả nước.
Đáng chú ý, cho tới nay, vẫn chưa có thể chế rõ ràng về liên kết vùng với cơ chế điều phối đủ mạnh, rõ ràng để Hội đồng vùng và các địa phương trong vùng phối hợp hiệu quả.
Vai trò của Hội đồng vùng KTTĐ hiện nay không phải là cơ quan chuyên trách có chức năng quản lý nhà nước, chưa có địa vị pháp lý đầy đủ cũng như không đủ hoặc không có nguồn lực để điều phối sự phát triển chung của vùng, không ra quyết định hành chính. Hội đồng vùng chưa được trao “quyền” trong việc quyết định các nguồn ngân sách cho các dự án mang tính liên kết địa phương.
Sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương còn rời rạc, chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp, còn mang tính hình thức. Những hoạt động gần đây của Hội đồng vùng chủ yếu là sự phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các Bộ, ngành và các địa phương chứ chưa điều hành hiệu quả việc phối hợp giải quyết những lĩnh vực chủ yếu trong liên kết vùng, chưa có khả năng xây dựng định hướng, chiến lược, quy hoạch, hoạch định những chính sách riêng biệt thống nhất cho toàn vùng, thiếu sự gắn kết, phân công giữa các địa phương trong vùng.
Sự năng động trong phát triển ở một số địa phương chủ yếu do sáng kiến của lãnh đạo ở từng tỉnh. Thiếu sự liên kết trong khai thác những giá trị tài nguyên, văn hóa đặc thù riêng của từng địa phương “lồng” vào trong sản phẩm du lịch; thiếu những sản phẩm du lịch đặc sắc mang tính vùng, khu vực có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế để thu hút khách từ những thị trường trọng điểm.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung các ngành kinh tế, xã hội của vùng KTTĐ miền Trung là nhiệm vụ chính của Hội đồng vùng và các thành viên trong vùng. Tuy nhiên, việc thiết lập hệ thống thông tin của vùng chưa được quan tâm một cách đúng mức, chưa được cập nhật thường xuyên nên đến nay chưa thiết lập được hệ thống cơ sở dữ liệu chung cho vùng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, hiện chưa có cơ chế chính sách đặc thù, phát huy tiềm năng, thế mạnh trong các lĩnh vực thu hút hoặc đủ hấp dẫn các hoạt động liên kết vùng. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các quy hoạch ngành theo vùng miền Trung chưa thực sự là công cụ hữu hiệu trong định hướng, điều phối và phân bổ ngân sách.
Vẫn còn hiện tượng ‘mỗi địa phương một nền kinh tế’
Trong khi đó, một số nơi còn có tư tưởng lợi ích theo địa giới hành chính. Một trong các rào cản làm cho liên kết vùng chưa phát huy hiệu quả là lợi ích kinh tế của các địa phương đang được phân chia theo địa giới hành chính, hiện tượng mỗi địa phương là một nền kinh tế nên các địa phương trong vùng chưa mặn mà trong liên kết phát triển, thậm chí còn cạnh tranh với nhau trong thu hút đầu tư, làm triệt tiêu lợi thế của toàn vùng.
Về liên kết các ngành, lĩnh vực, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chưa có sự kết nối chặt chẽ với các giá trị văn hóa trong vùng. Ngành nông nghiệp chưa có sự liên kết theo từng khâu đoạn sản xuất. Về kết nối hạ tầng giao thông, cảng biển, đường sắt, đô thị còn nhiều bất cập, chưa phát huy lợi thế, thúc đẩy giao thông hàng hóa giữa các địa phương trong vùng. Việc tiến hành kêu gọi đầu tư nhìn chung còn thiếu đồng bộ, dàn hàng ngang, chưa tận dụng được lợi thế riêng của từng địa phương.
“Do chưa có một “nhạc trưởng” điều tiết, quy hoạch, nên việc đầu tư xây cảng biển ở miền Trung thiếu trọng tâm, hiệu quả kinh tế không cao, khiến nhiều cảng chỉ hoạt động 20% - 30% công suất”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Về tổng thể, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, cấu trúc không gian phát triển Vùng KTTĐ miền Trung chủ yếu tập trung phát triển dải ven biển, trong khi các khu vực miền núi phía Tây chưa được phát triển cân đối hài hòa. Tình trạng quá tải diễn ra cả giao thông đô thị và trên một số tuyến đường bộ, cảng hàng không, cảng biển. Đây chính là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội trong vùng nếu không sớm được cải thiện.
Cùng với đó, kết nối về đào tạo và sử dụng lao động chưa có trọng tâm, chưa đáp ứng quy mô của vùng. Kết nối về khoa học, công nghệ, thông tin truyền thông chưa cao. Kết nối về đầu tư còn rời rạc, chưa có cơ chế thống nhất, nhất là trong các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Các vấn đề trên cần có sự quan tâm, giải quyết thích đáng trong quá trình triển khai liên kết vùng và dự kiến sẽ được "mổ xẻ" tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung sắp tới.
Theo Hà Chính (Chinhphu.vn)