Đưa miền Trung thực sự trở thành một vùng động lực
Ngày 20.8, tại Bình Định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung, với mục tiêu tiếp tục phát triển vùng miền Trung đi đúng hướng, thực sự trở thành một vùng động lực của cả nước.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi).
Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ đóng góp nhiều ý kiến giá trị để tham mưu giúp Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương vùng miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ những điểm nghẽn, có những cách làm mới, đột phá, tạo điều kiện thuận lợi để vùng phát huy hết tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững và thực hiện thành công chiến lược biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW.
Dự kiến, các ý kiến thảo luận sẽ tập trung vào một số nội dung: Tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của vùng miền Trung (đánh giá những kết quả, những hạn chế yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm rút ra trong triển khai thực hiện, các vướng mắc cần tháo gỡ); giải pháp trọng tâm trong thời gian tới để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của vùng miền Trung theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đóng góp lớn hơn vào quy mô kinh tế của cả nước…
Hội nghị cũng sẽ thảo luận về cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh, thành phố trong vùng miền Trung bứt phá, phát triển bền vững, giải quyết những điểm nghẽn trong phát triển, trong đó có cơ chế huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng; thể chế, cơ chế điều phối vùng nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động điều phối và liên kết vùng trong thời gian tới.
Hội nghị sẽ nghe báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng miền Trung, tình hình và giải pháp để phát triển kinh tế biển do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày; các báo cáo về tình hình phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, các địa phương, tình hình và giải pháp để phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết 36-NQ/TW do lãnh đạo các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Thanh Hóa trình bày; các báo cáo của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học có tâm huyết về sự phát triển của vùng.
Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 3 nhóm giải pháp lớn để tiếp tục phát triển vùng miền Trung đi đúng hướng, thực sự trở thành một vùng động lực, một đầu tàu kinh tế của đất nước.
Thứ nhất là nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách. Theo đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch quốc gia và vùng, lấy biển và vùng ven biển làm trung tâm; xây dựng các đô thị ven biển hiện đại, quy hoạch xây dựng phải đi trước, xác định biển là trung tâm để tính toán quy hoạch xây dựng đô thị ven biển.
Hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối Bắc - Nam và hệ thống đường ngang Đông – Tây kết nối liên thông các cảng biển và các tỉnh ven biển với vùng Tây Nguyên. Tăng cường liên kết vùng và các tỉnh miền Trung với Tây Nguyên, hợp tác cùng phát triển.
Hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển. Phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, khoa học, công nghệ mới, thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao.
Cần có thể chế, chính sách hỗ trợ vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát huy hết lợi thế so sánh; tiếp tục kiện toàn bộ máy vùng, trao đủ thực quyền ra quyết định cho Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung…
Trong nhóm giải pháp về liên kết các ngành, lĩnh vực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lợi thế vùng gắn với thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng thương hiệu và sản phẩm quốc gia theo ngành và lợi thế của vùng, sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao; nâng cao sự đóng góp của khoa học và công nghệ vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh để tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường hợp tác khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ. Hỗ trợ xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong các trường đại học, doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh/thành phố trong Vùng, coi đó là hạt nhân của hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sớm xây dựng, hoàn thiện và chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu chung về các tỉnh, thành phố thuộc vùng miền Trung, các ngành kinh tế, các lĩnh vực xã hội, tiến độ các công trình trọng điểm, dự án lớn triển khai trên địa bàn, phục vụ xây dựng và điều phối các hoạt động liên kết vùng.
Bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước để phát triển bền vững. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo vệ môi trường.
Kết hợp chặt chẽ việc phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, đảm bảo công tác phòng thủ tuyến biên giới trên đất liền và trên biển...
Cuối cùng là nhóm giải pháp về nguồn lực. Theo đó, ưu tiên nguồn lực của Nhà nước để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng.
Cùng với đó, các tỉnh, thành phố trong Vùng chủ động huy động đa dạng các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, tạo ra liên kết Vùng. Xem xét huy động cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động triển khai nhiệm vụ điều phối phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất giao Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn thu để lại cho một số tỉnh, thành phố lớn, có vai trò làm đầu tàu kéo tăng trưởng kinh tế của cả nước. Cần nghiên cứu tỷ lệ điều tiết hợp lý cho ngân sách địa phương đảm bảo tương ứng với vai trò đóng góp của ngân sách từng tỉnh/thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đối với ngân sách Trung ương, tạo động lực và nguồn lực cho các địa phương trong Vùng tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Theo Hà Chính (Chinhphu.vn)