Tạo đột phá, xung lực mới cho phát triển
Sáng 20.8, Hội nghị Phát triển Kinh tế miền Trung, do Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ KH&ÐT và UBND tỉnh Bình Ðịnh tổ chức, diễn ra tại TP Quy Nhơn.
Đây là dịp để 5 tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đánh giá lại những kết quả trong phát triển KT-XH và nhận diện khó khăn, thách thức tìm giải pháp tháo gỡ, tạo đột phá mới, xung lực mới cho phát triển của vùng. Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng dành cho Báo Bình Định cuộc trò chuyện xung quanh sự kiện này.
Lãnh đạo tỉnh tham quan dây chuyền sản xuất của nhà máy Hoa Sen - Nhơn Hội tại KKT Nhơn Hội.
* Xin đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bình Định đóng vai trò như thế nào trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung?
- Bình Định là tỉnh cực Nam của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nằm gần trung điểm trên trục Bắc - Nam của cả nước. Với QL 19 và cảng biển quốc tế Quy Nhơn, Bình Định là cửa ngõ ra biển gần nhất, thuận lợi nhất của cả một vùng rộng lớn bao gồm các tỉnh Tây Nguyên - Nam Lào - Đông Bắc Campuchia và Thái Lan. Tỉnh Bình Định có vai trò rất quan trọng trong phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng, an ninh của toàn vùng và cả nước.
Trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Bình Định được xác định là cực tăng trưởng phía Nam. Sự phát triển của Bình Định không chỉ đóng góp chung vào phát triển toàn vùng mà còn góp phần thúc đẩy sự hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh phía Nam của vùng như: Phú Yên, Khánh Hòa, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk.
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định đã có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, tăng cường hợp tác, liên kết, chủ động phát huy lợi thế và nội lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Nhờ đó, cùng với cả nước, nền kinh tế của tỉnh đã đạt nhiều thành tựu quan trọng và chuyển dịch theo hướng tích cực.
Trong giai đoạn 2016 - 2018, tổng sản phẩm địa phương tăng bình quân 6,87% (năm 2018 là 7,32%). Chuyển dịch cơ cấu kinh tế các ngành theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp; tổng thu ngân sách hàng năm liên tục tăng với mức bình quân khoảng 15,5%.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng (bên trái, hàng đầu) trao quyết định chủ trương đầu tư Dự án Tổ hợp giáo dục - trí tuệ nhân tạo Long Vân cho lãnh đạo FPT.
* Nhưng Bình Định cũng đang gặp phải không ít khó khăn, thách thức, thưa chủ tịch?
- Khó khăn, thách thức lớn mà tỉnh đang gặp phải hiện nay chính là xuất phát điểm về kinh tế thấp, quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, nhiều chỉ tiêu phát triển KT-XH mới chỉ đạt ở mức trung bình của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Trong khi đó, Bình Định nằm trong vùng thường xuyên bị thiên tai. Hệ thống giao thông kết nối giữa QL 1A và QL 19 với sân bay, cảng biển, Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp chưa hoàn thiện và đồng bộ. Nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh còn nhiều hạn chế. Nói về đầu tư, chúng ta chưa thu hút được các dự án có quy mô lớn, nhất là các dự án công nghiệp có thể tạo ra đột phá mạnh mẽ, tạo được chuyển biến có tính then chốt tạo đà phát triển kinh tế và tự chủ về ngân sách. Đây cũng là niềm trăn trở rất lớn của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Bình Định.
Những năm gần đây, Bình Định tích cực tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế riêng có, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt tìm hướng đi có tính đột phá trong phát triển công nghiệp gắn với dịch vụ cảng biển, logistics trên cơ sở phát huy lợi thế cửa ngõ hướng biển của Tây Nguyên; xây dựng hoàn thiện khu đô thị khoa học đầu tiên ở Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo (AI). Đồng thời, tỉnh luôn xác định muốn phát triển KT-XH bền vững, phải gắn kết, hợp tác với các địa phương trong vùng để phát huy những điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội và phân công, hỗ trợ, bổ sung cho nhau những gì địa phương còn thiếu.
* Hội nghị Phát triển Kinh tế miền Trung diễn ra ngay trên “sân nhà”, Bình Định sẽ có kiến nghị, đề xuất gì với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, thưa Chủ tịch?
- Rõ ràng, Bình Định cũng như các tỉnh khu vực miền Trung tuy còn những khó khăn thách thức, nhưng dư địa cho phát triển, nhất là du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng, khai thác thủy hải sản rất lớn. Nếu chúng ta xác định được hướng đi đúng đắn, liên kết, hợp tác chặt chẽ, đặc biệt được Trung ương hỗ trợ kịp thời, đúng mức về cơ chế, chính sách và nguồn lực thì sẽ sớm có những bước phát triển đột phá, đóng góp quan trọng, thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước.
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển khu vực miền Trung nói chung và tỉnh Bình Định thời gian tới, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của khu vực, tỉnh đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương một số nội dung, trong đó tập trung vào hai trọng tâm liên quan trực tiếp đến tỉnh.
Thứ nhất, theo tinh thần hợp tác giữa Bình Định và Bình Dương, hơn 5 năm qua, lãnh đạo 2 tỉnh đã quyết tâm cùng hợp tác xây dựng Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Becamex tại huyện miền núi Vân Canh - cửa ngõ phía Tây của TP Quy Nhơn, nhằm hạn chế việc phát triển công nghiệp ở khu vực bán đảo Phương Mai. Hơn 4 năm lập các thủ tục cần thiết như bổ sung quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, tỉnh cũng đã đầu tư gần 2.000 tỷ đồng xây dựng tuyến đường cao tốc từ Cảng quốc tế Quy Nhơn đến khu công nghiệp này; thu hút nhiều nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu để đăng ký đầu tư vào đây.
Hiện, tỉnh đã hoàn tất hồ sơ để Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty Becamex đầu tư vào Khu công nghiệp Becamex Bình Định. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Định mong mỏi và rất kỳ vọng đây sẽ là bước đột phá trong thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp của tỉnh, giải quyết việc làm cho con em Bình Định khỏi phải tha phương cầu thực, tiến tới tự chủ ngân sách.
Do vậy, tỉnh đề nghị Bộ KH&ĐT sớm trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để Tổng Công ty Becamex làm chủ đầu tư triển khai xây dựng một khu công nghiệp hiện đại tại đây.
Thứ hai, hiện Bình Định đang quy hoạch và xây dựng Khu đô thị Khoa học Quy Hòa và Trung tâm Trí tuệ nhân tạo (AI) Long Vân, với định hướng trở thành “hạt nhân” thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh và khu vực. Đây là khu đô thị khoa học đầu tiên trong cả nước, điểm đến đặc trưng của Việt Nam về khoa học, giáo dục và định vị thương hiệu sản phẩm du lịch khoa học đối với du khách trong nước và thế giới. Mỗi năm, tại đây đã có hàng nghìn nhà khoa học, trong đó nhiều nhà khoa học đạt giải Nobel đến để nghiên cứu, trao đổi, tổ chức hội nghị, hội thảo.
Để dự án trọng điểm này sớm được triển khai xây dựng, tỉnh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm sớm thông qua Đề án và cho khu đô thị khoa học này hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt như đối với các khu công nghệ cao hiện nay. Đồng thời, cho cơ chế, chính sách để hình thành một số DN, viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm trí tuệ nhân tạo tại khu đô thị khoa học này để nơi đây thực sự trở thành “điểm đến” của các nhà khoa học trên thế giới.
* Xin cảm ơn Chủ tịch UBND tỉnh!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)